sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, học trò của Tăng Xán, tổ thứ ba của thiền tông Trung
Hoa, vào hạ bán thế kỷ thứ sáu. Thực ra, thiền học Việt Nam đã khởi đầu từ
đầu thế kỷ thứ ba, và chính Tăng Hội của Giao Châu đã sang truyền bá
thiền pháp tại Trung Hoa. Tiếp theo Tăng Hội đã có Huệ Thắng vào thế kỷ
thứ năm, được một vị thái thú mời về Trung Hoa hoằng dương thiền học.
Khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi thiền sư từ Trung Hoa sang Việt Nam, ông đã cư trú
tại chùa Pháp Vân; chùa này cũng đã là một thiền viện rồi trước khi ông tới.
Thiền Uyển Tập Anh cho biết, trước khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi tới, tại đây đã
có thiền sư Quán Duyên đang giảng dạy về thiền pháp cho nhiều đệ tử
trong đó có Pháp Hiền: "Thiền sư Pháp Hiền quê ở Châu Diên, họ Đỗ, thân
cao bảy thước ba phân (thước cũ) ban đầu học theo Quán Duyên đại sư, thọ
cụ túc giới, ngày ngày cùng các đệ tử của ngài nghe giảng về những yếu
pháp của thiền". Những sự kiện trên đủ để cho ta thấy rằng thiền học Việt
Nam ban đầu không phải từ Trung Hoa truyền sang. Sống bên cạnh một
nước láng giềng to lớn có nền văn hóa giàu thịnh, người Việt nhất là trong
và sau những thời đại nội thuộc, thường hay có mặc cảm là những gì truyền
sang từ Trung Quốc mới quý. Các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn
Thông và Thảo Đường sau này đều có nguồn gốc ở Trung Hoa, nhưng
không phải vì lý do đó mà ta có thể nói rằng thiền pháp tại Việt Nam là
hoàn toàn do từ Trung Hoa truyền sang vậy.