Mâu Tử. Giao Châu hồi đó là một trung tâm văn hóa thực sự với sự có mặt
của nhiều nhân vật lỗi lạc từ phương Bắc tới (Mâu Tử gọi là dị nhân Bắc
phương), sự học vấn cũng như sự hành đạo tại địa phương cố nhiên đòi hỏi
những kiến thức về cả hai nền học thuật đang gặp gỡ trên đất Việt. Trong
những trước tác và dịch thuật Tăng Hội không còn dùng những dẫn chứng
và luận lý của Nho và Lão như Mâu Tử nữa; văn ông đã rất thuần túy Phật
giáo. Tuy nhiên khi biện luận về đạo Phật với Tôn Hạo (người kế vị Tôn
Quyền) ông đã trích dẫn kinh Dịch, Chu Công và Khổng Tử (Cao Tăng
Truyện nói trong khi đàm luận với Tôn Hạo ông đã trích câu "tích thiện chi
gia, tất hữu dư khương"). Nhìn vào sự nghiệp Tăng Hội tại Đông Ngô, ta có
thể có một ý niệm về tầm quan trọng về trung tâm Phật Giáo Giao Châu nơi
đã đào tạo nên Tăng Hội. Sự gặp gỡ của hai nền văn hóa tại Giao Chỉ quả
đã biến đất này thành một bàn đạp cho sự truyền bá đạo Phật vào lục địa
Trung Hoa.