thầy dạy đều là do đệ tử báo cáo lại thôi, không chắc lắm. Còn trong trường
hợp thầy Tăng Hội, ta biết rằng thầy đã tự tay viết xuống rõ ràng những tư
tưởng về thiền của thầy và thầy đã dạy theo những tư tưởng đó. Hai tài liệu
mà chúng ta có hôm nay là bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, và bài Phương
Pháp Đạt Thiền trong kinh Lục Độ Tập.
Trước hết chúng ta hãy đọc câu đầu trong Phương Pháp Đạt Thiền. "Thiền
độ vô cực là gì?" Thiền ở đây là một trong sáu phép ba la mật, sáu phép
thực tập của một vị bồ tát. Ngay lúc đầu, chúng ta đã thấy khuynh hướng
đại thừa hóa thiền học." Làm cho tâm ngay thẳng lại, làm cho ý chuyên
nhất lại, tập hợp tất cả những điều lành, dùng những điều lành ấy để loại trừ
những uế ác còn dính mắc trong tâm, đó là thiền độ vô cực." Nguyên văn:
"Đoan kỳ tâm, nhất kỳ ý, hợp hội chúng thiện, nội trước tâm trung ý chư uế
ác dĩ thiện tiêu chi". "Làm cho tâm ngay thẳng lại" là dịch từ ba chữ đoan
kỳ tâm. Nhất kỳ ý là "làm cho ý chuyên nhất trở lại". Hợp hội chúng thiện
tức là "tập hợp tất cả những điều lành" lại, để dùng những điều lành ấy mà
loại trừ những uế ác còn dính mắc ở trong tâm. Uế tức là những cái dơ bẩn,
rác rến. Ác tức là những yếu tố có thể gây tai nạn, gây khổ đau, không có
lợi lạc cho hạnh phúc và giải thoát. Thầy Tăng Hội sẽ giải thích cho ta biết
được đích xác những cái mà thầy gọi là những điều lành là những cái gì,
chứ không phải thầy chỉ nói một cách tổng quát tập hợp tất cả những điều
lành. Những điều lành đây, trước hết là chánh tư duy, tức là tầm và từ
(vitarka và vicara). Trong bước đầu của thiền tập, mình có thể sử dụng tư
duy, miễn duy phải là chánh tư duy. Tâm của mình hướng về đối tượng.
Mình tư duy về đối tượng đó. Mình biết rằng đối tượng đó là đối tượng
mình muốn tìm hiểu. Tầm trước hết là tác ý. Tác ý tức là muốn chú ý tới
một đối tượng và muốn ở lại với đối tượng đó. Hình ảnh thường dùng là
hình ảnh một con bướm chú ý tới một cái hoa và tới đậu trên cái hoa. Cái
đó gọi là tầm. Bướm bay tới, đậu lên hoa rồi chú ý tới những chi tiết của
hoa. Nó tiếp xúc sâu sắc hơn với cái hoa. Nó bay xung quanh cái hoa, và
không rời hoa. Đó gọi là từ. Từ là tư duy một cách sâu sắc hơn về đối
tượng mà mình đã chọn. Từ rất gần với trạch pháp (investigation). Ví dụ