mười phương thế giới. "Cáu bẩn không còn thì ánh sáng hiện ra. Đó là
chuyện tất nhiên. Ngược lại, nếu phiền não tràn ngập làm tâm ý tán loạn thì
trong số một vạn niệm được khởi lên ta không nhận biết được một niệm.
Cũng giống như ngồi ngoài chợ mà nghe lao xao một lần bao nhiêu tiếng
ồn ào rồi trở về ngồi yên mà cố nhớ lại thì không thể nhớ được một lời nào.
Sở dĩ tâm phóng dật và ý tán loạn là vì uế trược chưa được khai thông. Nếu
tìm về chỗ thanh vắng để thực tập cho tâm lắng đọng và ý không còn bị
những tà dục lôi kéo thì lúc ấy lắng tai ta có thể nghe rõ được cả vạn lời,
không có lời nào bị bỏ sót. Tâm tĩnh và ý trong thì có thể làm được như
vậy." Thầy Tăng Hội đang nói về tứ thiền và quán chiếu. Ban đầu thầy nói
tới sổ tức, tùy tức và chỉ. Bây giờ thầy nói về quán. Chúng ta hãy đọc tiếp
thêm một đoạn nữa. "Thực tập sự vắng lặng và làm ngưng chỉ tâm ý ở đầu
chóp mũi, đó gọi là tam thiền. Quay trở về để quán chiếu thân mình, từ đầu
tới chân, ta lặp lại sự quán sát những yếu tố ô nhiễm trong cơ thể và thấy
được rõ ràng mọi lỗ chân lông dày đặc trong toàn thân và chất loãng rịn ra
từ các lỗ chân lông ấy." Ở đây chúng ta lại có cảm tưởng là đang đọc kinh
Hoa Nghiêm: quán chiếu một lỗ chân lông trong cơ thể mà có thể thấy
được toàn thể pháp giới. "Từ đấy ta có thể quán chiếu được cả trời, đất,
người và vật, tất cả những thịnh suy của các hiện tượng ấy và ta sẽ thấy
được tính cách không còn không mất của chúng." Không còn không mất
tức là không hữu cũng không vô. Nếu chúng ta học kinh An Ban Thủ Ý với
nhãn quan của một người tu tiểu thừa thì chúng ta không thể nào thấy được
những điều mà thầy Tăng Hội thấy. Thầy Tăng Hội phát xuất từ truyền
thống đại thừa. Thầy đã sử dụng kinh An Ban Thủ Ý như một vị bồ tát:
quán chiếu một lỗ chân lông và có thể thấy được cả trời, cả đất, cả người,
cả vật và tất cả thịnh suy của những hiện tượng ấy. Quán chiếu như thế, ta
sẽ thấy được tính cách không mất không còn của chúng. Không có, không
không, không tới, không đi, không một, không nhiều. Đó là thầy nói về
quán, sau khi đã nói về chỉ.
"Nhiếp tâm để trở về chánh niệm thì mọi sự ngăn che đều tiêu diệt, đó gọi
là hoàn (trở về). Khi những đam mê và cấu uế đã lắng xuống hoàn toàn thì