không có được trong khi ta đang thức tỉnh, nhưng hình ảnh đó đã có thật
trong giấc mơ ta. Có sự chắp nối giữa hình ảnh con voi và hình ảnh hai
cánh với nhau và người thợ chắp nối là tâm của chúng ta. Nhìn vào hình
ảnh con voi có hai cánh đang bay trong mộng, ta cũng có thể thấy được
thực chất của vũ trụ. Ở đây thầy Tăng Hội nói rằng nhìn thật sâu vào một lỗ
chân lông bằng cái nhìn thiền quán, ta có thể quán chiếu mà thấy được cả
trời, cả đất, cả người, cả vật, thấy được các thịnh suy của những hiện tượng
ấy và sẽ thấy được tính cách không còn không mất của chúng. Tư tưởng rất
đại thừa, đó là tư tưởng trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm. Ta
đọc tiếp: "Hành giả đã thành tựu được pháp an ban, thấy tâm thức mình
sáng ra. Lấy cái sáng ấy mà quán chiếu thì không có chỗ tối tăm nào mà
không soi tới. Người ấy có thể thấy được những gì đã xảy ra từ vô số kiếp
về trước và cũng có thể thấy được các cảnh giới trong hiện tại cùng với
người và vật trong các cảnh giới ấy, trong đó có các vị Bụt đang giáo hóa
và các giới đệ tử đang học hỏi và thực tập. Lúc bấy giờ không cảnh nào mà
không thấy, không tiếng nào mà không nghe. Người ấy đạt tới cái tự do lớn,
không còn bị trói buộc bởi ý niệm còn, mất, thấy được cái vô cùng lớn như
núi Tu Di trong cái vô cùng nhỏ như lỗ chân lông." Đây đúng là những
hình ảnh mà ta thấy trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm.
Chính những cái thấy như cái thấy của thầy Tăng Hội đã đưa tới sự thành
lập phẩm Nhập Pháp Giới này.
Chúng ta đọc tiếp: "Trước khi Bụt thuyết kinh này, hai cõi nhân thiên đều
chấn động và thay đổi màu sắc. Suốt trong ba ngày Bụt an trú trong an ban,
không ai được tiếp xúc với Người. Rồi Bụt hóa hiện làm hai thân: một là
báo thân, một là ứng thân để diễn bày chân nghĩa." Hồi đó tư tưởng tam
thân chưa rõ ràng. Thầy Tăng Hội không dùng những danh từ báo thân và
ứng thân. Thầy dùng danh từ hà đẳng thân và tôn chủ thân. Tư tưởng tam
thân hồi đó đang thành hình. "Các vị đại sĩ và thượng nhân trong giới sáu
đôi và mười hai hạng không ai là không chấp hành theo lời Bụt." Đại sĩ và
thượng nhân là những tiếng cổ để dịch các từ như bodhisatva và mahasatva.
Ở đây chúng ta có danh từ sáu đôi và mười hai hạng. Trong các văn bản cổ