Đạo Và Đạo Chí
Ở đây có một danh từ mà ta đã dịch là ý chí tu đạo. Danh từ ấy là đạo chí.
Đây là một danh từ quan trọng. Nên nhớ rằng chúng ta đang ở đầu thế kỷ
thứ III. Những danh từ bằng chữ Hán được sử dụng ở đây chưa được thuần
nhất. Các kinh A Hàm, cho đến thế kỷ thứ IV và thứ V mới được dịch. Cho
nên nhiều chữ mà thầy Tăng Hội dùng đã do thầy tự đặt ra. Chữ đạo chí
này được thầy lặp lại nhiều lần. Chúng ta hãy đặt chúng ta vào trong hoàn
cảnh của đầu thế kỷ thứ III tại Việt Nam. Có nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất
là Giao Châu hồi đó tuy nội thuộc Hán nhưng văn hóa rất khác với văn hóa
Trung Hoa. Có những quốc gia nằm dưới vùng ảnh hưởng của văn hóa Ấn
Độ như Chiêm Thành, Thái Lan, Lào, Nam Dương và Giao Châu. Tại Giao
Châu hồi đó đạo Bụt chinh phục giới bình dân rất mau chóng. Lý do thứ
nhất là Giao Châu chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Thứ hai là đạo Khổng
và đạo Lão chỉ mới bắt đầu được truyền bá tới thôi. Giới trí thức nhà Hán
cho rằng đạo Lão và đạo Khổng là đạo chân chính duy nhất, còn những đạo
khác là đạo tà. Ý niệm đó không có ở Giao Châu hồi ấy. Khi được truyền
vào Trung Quốc, đạo Bụt phải chinh phục được giới trí thức Lão và Khổng
thì mới đi vào quần chúng được. Còn tại Giao Châu, đạo Bụt không gặp trở
ngại này. Đạo Bụt đi thẳng vào quần chúng bình dân. Khi bắt đầu dịch kinh
từ tiếng Sanskrit ra tiếng Hán, các vị cao tăng phải dùng những danh từ
tiếng Hán. Trong đạo Lão có rất nhiều danh từ có thể sử dụng để dịch
những danh từ đạo Bụt, ví dụ danh từ vô vi. Danh từ vô vi là một danh từ
của đạo Lão, mà các Phật tử hồi đó đã dùng để dịch chữ asamskrita. Từ vô
ngã, hồi đó được dịch là vô ngô. Đức Thế Tôn được dịch là Đức Chúng
Hựu. Sa Môn dịch là Tang Môn. Đó là các danh từ mà thầy Tăng Hội sử
dụng. Thành ra chữ "đạo" ở đây là một chữ rất được thông dụng trong Lão
giáo. Đúng ra "đạo" là để dịch chữ "marga" là con đường thôi. Nhưng chữ
"đạo" trong đạo học rất lớn, và vì vậy chữ "đạo" này đã được dùng để dịch
tiếng "bồ đề" (bodhi), là giác ngộ. Ví dụ như "đắc đạo" tức là đạt tới bồ đề.