Chữ "đạo" này không có nghĩa là con đường. Mới thấy con đường thì đâu
có nghĩa là được đạo? "Đắc đạo" không có nghĩa là thấy được con đường,
mà là đạt được giác ngộ, giác ngộ bồ đề. "Đạo tâm" đâu phải là tâm con
đường, mà là bồ đề. Vì vậy ta biết chữ "đạo" mà thế kỷ đầu đã sử dụng có
nghĩa là bồ đề tâm. Cũng như trong bài "Chứng Đạo Ca" của thiền sư
Huyền Giác, "đạo" này cũng có nghĩa là bồ đề. Chứng đạo là đạt tới sự giác
ngộ, không phải là đạt tới con đường. Và từ từ con đường được đồng nhất
với sự giác ngộ. Ngày xưa thầy Tăng Hội dùng chữ "đạo chí". "Đạo chí"
tức là ý chí hành đạo, cái đó tương đương với sơ tâm của người xuất gia.
Người phát nguyện đi xuất gia có một ý chí lớn. Ý chí đó sau này người ta
gọi là bồ đề tâm. Đó là một cái tâm, một ý chí muốn hành đạo, muốn được
giác ngộ, muốn tu tập, muốn thành công trong sự tu tập và đem thành quả
tu tập ra để cứu độ những người khác, đem hạnh phúc của mình mà chia sẻ
với người khác. Cái đó gọi là bồ đề tâm hay là đạo chí. Nếu trong đời sống
hàng ngày, người tu không biết nuôi dưỡng đạo chí, cứ để cho đạo chí ấy từ
từ mòn mỏi thì đó là một sự lỗ vốn. Vì vậy tăng thân và sự thực tập là
những điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng đạo chí của ta mỗi ngày mỗi thêm
lớn. Đạo chí tức là đạo tâm, mà đạo tâm tức là bồ đề tâm.
Chúng ta hãy đọc tiếp:
"Từ thiền thứ nhất đến thiền thứ hai cần phải thực tập ba điều: siêng năng,
duy trì chánh niệm và dụng công quán chiếu. Nhờ ba điều ấy mà hành giả
sau này thành tựu được thiền thứ tư. Từ nhất thiền lên nhị thiền, do nhị
thiền lên tam thiền, do tam thiền lên tứ thiền; tứ thiền cao hơn tam thiền,
tam thiền hơn nhị, nhị hơn nhất.
Ở nhất thiền, mười ác pháp đi lui, năm thiện pháp đi tới. Mười ác pháp là
gì? Mắt đắm chìm trong sắc, tai đắm chìm trong thanh, mũi đắm chìm trong
hương, lưỡi đắm chìm trong vị, thân đắm chìm trong xúc, cộng với năm thứ
ngăn che kể trên là mười ác pháp. Năm thiện pháp là gì? Đó là tầm, từ, hỷ,
lạc và tâm nhất cảnh. Năm thiện pháp này có mặt trong nhất thiền. Trong