Vậy tại sao những thiên tài lại có thành tích học tập kém? Điều này cũng không được lý
giải trong những ghi chép còn lại cho đến ngày nay, và việc tìm hiểu thực sự không hề đơn
giản. Nguyên nhân cũng có nhiều, nhưng có một điểm chung là các thiên tài vốn là những
người rất giàu đam mê.
Nhà nghiên cứu Đông dương học Krapmote là một học trò rất kém của trường đại học
Berlin. Giám thị thấy trong suốt giờ thi ông không viết được chút gì bèn bảo: “ Em đúng là
chẳng biết gì cả nhỉ?” . Ông trả lời: “Không ạ, em biết tiếng Trung Quốc”. Tìm hiểu ra thì
thấy ông đặc biệt ham thích tiếng Trung Quốc và đã một mình miệt mài học.
(một số ví dụ cùng loại)
XI.
Gần đây, khi nhà văn lớn Natsume Soseki qua đời, thi thể của ông đã được giải phẫu.
Kết quả là não của ông lớn hơn người bình thường rất nhiều. Trước đó, giải phẫu thi thể của
Katsuraku cũng có kết luận tương tự. Nhìn vào đó, nhiều người nghĩ rằng, quả đúng là vĩ
nhân có khác… Cách nghĩ này cũng không có gì xấu, tuy nhiên nếu cho rằng ngay từ khi sinh
ra mà có bộ não to thì sẽ trở thành vĩ nhân, não nhỏ thì sẽ không làm được gì, suy nghĩ đó
hoàn toàn không đúng.
Quả thực, não của động vật cấp cao thì lớn hơn động vật khác. Chúng ta đã tiến hóa từ
vượn người, đến người nguyên thủy cổ đại, người nguyên thủy cận đại, rồi thành người hiện
đại ngày nay. So sánh kích thước não của từng giai đoạn này cho thấy kích thước não cũng
lớn dần. Chính những điều này khiến người ta dễ nghĩ rằng thiên tài hẳn phải có bộ não lớn
hơn người bình thường. Nhưng sự thực không phải như vậy. Nói chung thì có khá nhiều
trường hợp những người ưu tú đồng thời sở hữu bộ não lớn. Tuy nhiên đó chỉ là ở những ví
dụ được công bố. Còn rất nhiều những nghiên cứu khác về các thiên tài cho thấy rằng não của
họ hoàn toàn không lớn hơn người bình thường, thậm chí có trường hợp còn nhỏ hơn.