giúp họ. Rồi Văn ra hiệu cho người mẹ rặn, và sau một lát đứa bé trồi ra,
chậm nhưng chắc. Đó là một bé trai khỏe mạnh. Giữa những tiếng kêu trầm
trồ thích thú, Văn khéo léo cắt dây nhau, rút nhau ra, rồi rửa thân dưới
người phụ nữ bằng một thứ rượu y tế đặc biệt mà gia đình người mẹ đem
tới cho bà. Thế rồi bà quan sát thấy, cũng như con của Án và của Bát, đứa
bé được người ta bôi cho một thứ nước sắc thuốc đặc biệt để bảo vệ cho nó
khỏi bị côn trùng cắn.
Khi Văn trao cho đứa bé quấn trong tã cho người cha, anh ta sợ không
dám đỡ lấy nó. Thay vì, anh mở rộng áo choàng rồi bảo Văn đặt đứa bé vào
trong cho ông. Anh tràn trề xúc động. Anh bảo Văn và Zhuoma rằng cả nhà
mong có con từ nhiều năm nay, nhưng lần nào hy vọng của họ cũng vỡ tan
tành vì sẩy thai hay đẻ khó.
“Giờ thì tôi biết menba thứ hai người Trung Quốc đã làm một điều tốt,”
người đàn ông nói.
Văn sững sờ. “Ý anh là gì?” bà hỏi “Ông từng gặp một bác sĩ Trung
Quốc khác à?”
“Cha tôi có kể cho tôi nghe về một người,” người đàn ông đáp. “Cha tôi
kể rằng nhiều năm trước, có một bác sĩ người Trung Quốc được thiên táng,
do vậy mà giao tranh giữa người Trung Quốc với người Tây Tạng ở vùng
này chấm dứt.”
Văn nhìn Zhuoma. Tim bà đập thình thịch, bà hầu như không thở được.
Liệu người bác sĩ đó có thể là Khả Quân không?
Nhận thấy cảm xúc của bà, Zhuoma giúp bà ngồi xuống.
“Chi tiết thì tôi không biết,” ông ta nói tiếp, “nhưng cha tôi thường nói
Lão Ẩn sĩ Cường Ba biết chuyện này.”
Ngay lúc đó, một người lao vào lều dúi cho Văn một chiếc khăn choàng
khata trắng như tuyết, dấu hiệu tỏ lòng biết ơn. Rồi ông ta dẫn bà ra ngoài
nơi đám đông đang đợi, họ chào đón bà bằng những tiếng huýt sáo và hoan
hô vang dậy. Hai bà lão đang nấu món thịt cừu trên lửa tiến lại gần dọn cho
bà hai cái chân cừu béo ngậy để tưởng thưởng cho việc bà đã làm. Bữa ăn
thịnh soạn kéo dài đến tận đêm. Mãi mấy giờ sau Văn mới về được đến lều.
Bà và Zhuoma quyết định rằng ngay sáng hôm sau họ sẽ lên đường tìm