quanh và cổng vào, chính giữa là một khoảng trũng lát đá. Có một lối đi hai
bên là hai hàng bệ thờ bằng đá.
Trong khi họ đứng nói chuyện, một người đàn ông lại gần họ tự giới
thiệu là chủ lễ thiên táng. Ông ta hỏi liệu ông có giúp gì được không. Thiên
An Môn tiến lên cúi chào.
“Chúng tôi muốn tìm hiểu về thiên táng,” ông nói.
Mặc dù vị chủ lễ thiên táng có vẻ hơi ngạc nhiên khi có người yêu cầu
một chuyện như vậy, song chẳng phải là ông không vui vẻ đáp ứng nguyện
vọng của họ.
“Con người ta là một phần của tự nhiên,” ông bắt đầu nói. “Chúng ta
đến thế giới này một cách tự nhiên và rời khỏi đó cũng tự nhiên. Sống và
chết đều là một phần của bánh xe luân hồi. Không nên sợ cái chết. Chúng ta
ai cũng háo hức mong được đến kiếp sau. Khi ta đốt lên ngọn lửa tỏa khói
của những nhánh dâu tằm trong lễ thiên táng, nó mở ra một con đường có
năm màu giữa trời và đất, con đường ấy mời gọi các linh hồn xuống bàn
thờ. Thi hài trở thành đồ dâng cúng cho các linh hồn, và chúng ta nhờ họ
mang linh hồn người chết liên trời. Khói cây dâu tằm là để dụ đại bàng, kền
kền và các loài ăn thịt chết thiêng liêng khác tới, các loài này sống nhờ ăn
thi hài. Làm việc này là để bắt chước Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài đã ‘hy
sinh thân mình để nuôi loài hổ’.”
Văn nhỏ nhẹ yêu cầu vị chủ lễ giải thích rõ người ta bày thi thể người
chết ra cho kền kền như thế nào.
“Đầu tiên người ta rửa ráy xác,” ông nói, “rồi cạo hết tóc và lông. Rồi
người ta bọc xác trong một tấm vải trắng và đặt trong tư thế ngồi, đầu chúi
xuống hai gối. Khi chọn được ngày lành, người ta cho một người chuyên
được thuê làm việc này khiêng cái xác trên lưng đem đến bàn thờ thiên
táng. Các lạt ma của tu viện trong vùng đến để tiễn vong linh người chết đi,
và trong khi các lạt ma tụng kinh để cho thiền siêu thoát, vị chủ lễ thiên
táng thổi kèn sừng, đốt lửa dâu tằm để dụ kền kền tới rồi xẻ cái xác ra, đập
vỡ xương theo trình tự quy định từ trước theo nghi lễ. Xác được xẻ theo
nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nhân chết, nhưng dù chọn cách nào