đi nữa, các đường dao không được phạm một lỗi nào, nếu không thì ngạ
quỷ sẽ tới đánh cắp linh hồn.”
Ký ức về những bài học mổ xác hồi đại học thoáng qua trong trí Văn,
nhưng bà buộc mình nghe tiếp.
“Lũ chim có khi nào từ chối ăn xác không?” bà hỏi.
“Vì kền kền thích ăn thịt hơn xương nên chúng tôi cho chim ăn xương
trước,” chủ lễ thiên táng đáp. “Đôi khi chúng tôi trộn xương đã đập nát với
bơ sữa bò. Nếu người ta uống nhiều thảo dược khi còn sống thì khi họ chết
xác sẽ đậm mùi thuốc mà kền kền thì không ưa mùi ấy. Bơ và những thứ
khác cho thêm vào giúp dễ ăn xác hơn. Điều quan trọng là chim phải ăn
toàn bộ xác. Nếu không thì xác sẽ bị ngạ quỷ chiếm mất.”
Văn đứng xem lễ thiên táng một hồi. Bà nghe Thiên An Môn hỏi vị chủ
lễ xem có đúng là một vị chủ lễ thiên táng từng giữ lại đầu của tất cả những
xác chết người ta đem tới cho ông ta, dùng các sọ đó xây thành một bức
tường sọ khổng lồ, bởi hồi bé ông ta đã chứng kiến một vụ giết người nên
muốn làm vậy để ngăn không cho hồn ma của kẻ giết người đó lại gần. Bà
không lắng nghe câu trà lời của vị chủ lễ. Bà cố làm cho chính mình quen
dần với những ý nghĩ để cho cái mỏ sắc lẻm, tham lam của một con kền kệt
vục vào thịt của người mình yêu. Trong thời gian sống ở Tây Tạng, bà đã
dần dần hiểu được nhiều điều trong những điều mà thoạt tiên khiến bà kinh
hãi và ghê tởm. Đức tin Phật giáo nay là một phần của đời bà. Vậy thì tại
sao bà lại thấy khó khăn đến thế để tin – như Zhuoma và Thiên An Môn tin
– rằng thiên táng là một nghi lễ tự nhiên và thiêng liêng chứ không phải một
việc làm man rợ? Nếu Khả Quân chính là vị menba người Trung Quốc mà
người ta nói tới thì liệu bà có chịu đựng nổi không?
Khi họ đi, bà quay về phía vị chủ lễ thiên táng.
“Ông đã bao giờ làm lễ thiên táng cho một người Trung Quốc chưa?” bà
hỏi.
Vị chủ lễ nhìn bà với vẻ tò mò. “Chưa bao giờ,” ông đáp. “Nhưng Lão
ẩn sĩ Cường Ba, vị ngồi bên kia hồ Trát Lăng ấy, vẫn thường hát về một
chuyện như thế.”