của bệnh viện. Tất cả những gì chúng tôi có là hai chiếc giường đơn bằng
gỗ văn, hai chiếc chăn đơn, một tủ gỗ hồng sắc, một tờ giấy đỏ được cắt
thành chữ “song hỉ”, còn giấy chứng nhận kết hôn được trang trí bằng chân
dung Mao Chủ tịch. Nhưng chúng tôi hạnh phúc đến ngất ngây. Sau đó, chỉ
ba tuần sau, Khả Quân nhận được giấy triệu tập. Đơn vị anh ấy được điều đi
Tây Tạng.
“Chúng tôi hầu như không có thời gian để tiêu hoá cái tin ấy trước khi
Khả Quân ra đi. Quân đội sắp xếp cho tôi chuyển tới một bệnh viện ở Tô
Châu để tôi có thể ở gần cha mẹ và chị gái. Chúng tôi xin thuyên chuyển,
nhưng Đảng bộ nói rằng những người thuộc diện ăn theo quân đội cần phải
có gia đình ở cạnh chăm sóc mới đúng. Tôi vùi mình vào công việc để quên
đi là tôi đang nhớ Khả Quân biết bao. Đêm đến, khi những người khác đã
chìm vào giấc ngủ, tôi lấy tấm hình của Khả Quân ra, ngắm nhìn khuôn mặt
tươi cười của anh. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những điều anh nói ngay trước
khi đi: anh sẽ sớm quay về bởi vì anh mong được làm đứa con trai hiếu thảo
với cha mẹ tôi và là người cha tốt của con cái chúng tôi. Tôi mong anh trở
về. Nhưng thay vì vậy tôi nhận được giấy mời đến Sở chỉ huy quân đội ở
Tô Châu để được thông báo rằng anh đã chết.”
Khi Văn nói những lời này, tim tôi lặng đi.
Chúng tôi cùng ngồi im lặng một lát. Tôi không muốn làm gián đoạn
dòng suy nghĩ của bà.
Đêm đó, Thư Văn và tôi ở chung một phòng trong khách sạn nhỏ kế bên
quán trà. Suốt hai ngày chúng tôi bên nhau, bà giãi bày tâm sự theo cách mà
tôi hầu như chưa hề dám hy vọng. Khi trở về cơ quan ở Nam Kinh, tôi bắt
đầu hăm hở ghi chép lại. Khi làm như vậy, tôi nhận ra rằng vẫn còn quá
nhiều điều tôi không biết về người phụ nữ khác thường này. Do bối rối về
sự kém hiểu biết của mình, tôi đã rất khó khăn khi đặt câu hỏi. Thậm chí
còn không đủ vốn từ để mô tả bộ quần áo bà mặc.
Tôi gọi điện tới khách sạn ở Tô Châu nơi chúng tôi lưu lại hôm trước,
nhưng bà đi rồi. Trong nỗi hoang mang, tôi liên lạc với vị thính giả đã gọi
điện kể về bà cho tôi.