2. Tôi không thể để anh ấy ở Tây Tạng, trơ trọi một
mình
Giấy báo tử
Chứng nhận Đồng chí Vương Khả Quân đã chết trong một sự cố ở
Đông Tây Tạng vào ngày 24 tháng 3 năm 1958, ở tuổi 29.
Văn phòng Quân đội Tô Châu, tỉnh Giang Tô, ngày 2 tháng Sáu năm
1958
Văn đứng sững tại bậc cửa trước Sở chỉ huy quân đội, cơn gió vùng
châu thổ sông Dương Tử mang theo mưa hạ làm ướt đẫm tóc và mặt cô.
Khả Quân chết rồi ư? Người chồng mới cưới chưa đầy một trăm ngày
của cô chết rồi ư? Mật ngọt của những ngày đầu sau hôn lễ đó vẫn còn
phảng phất trong trái tim cô. Cô vẫn còn cảm nhận được hơi ấm của chúng.
Cưới nhau gần được một trăm ngày, nhưng họ chỉ có ba tuần bên nhau. Anh
ấy không thể chết được.
Khi lên đường đi Tây Tạng, anh ấy rất khoẻ mạnh, hay nói, tràn đầy
nhựa sống. Bác sĩ quân y thường không phải trực tiếp tham chiến. Vậy “sự
cố” ở đây nghĩa là gì? Anh ấy chết như thế nào? Tại sao không ai có thể
cung cấp cho cô điều gì? Thậm chí họ không ghi thêm vài lời để chứng thực
rằng anh ấy hy sinh vì cách mạng như họ vẫn thường làm đối với những
người lính chết trận. Tại sao?
Trong vô vàn những “Báo cáo Chiến thắng từ Quân giải phóng Nhân
dân ở Tây Tạng” tuôn về như thác lũ, chẳng thấy đề cập đến một sự cố nào
mà trong đó Khả Quân có thể chết. Những cán bộ ở văn phòng quân đội
chịu trách nhiệm an ủi vợ con những người lính đã chết nói riêng với Văn
rằng họ không nhận được bất kỳ bản tin chiến trường thông thường nào từ
Tây Tạng.