chạy dọc sống lưng anh. Anh nhận ra rằng trong khi vội vã cứu người đang
hấp hối, anh đã xâm phạm vào nghi lễ tống táng và bắn chết một con chim
thiêng. Anh kinh hãi khi nghĩ đến những hậu quả do hành động hấp tấp của
mình - anh cũng băn khoăn không hiểu tại sao không có ai hiện diện ở lễ
tống táng để đọc kinh, và tại sao một người vẫn còn sống mà lại bị để lẫn
vào với những cái xác.
Một mắt trông chừng đám đông phía trên, Khả Quân quay trở lại chỗ
thiên táng. Người kia đã bất tỉnh. Khả Quân băng bó vết thương cho anh ta
rồi mang anh ta đến chỗ ngựa của mình. Anh và viên chỉ huy cưỡi ngựa về
lại đơn vị, Khả Quân giữ người bị thương ở đằng trước.
Tối hôm đó đơn vị cố di chuyển, tìm chỗ thích hợp để hạ trại, nhưng đi
đến đâu họ cũng thấy lối đi đã bị người Tây Tạng chặn lại rồi nguyền rủa họ
không tiếc lời. Họ sợ bị tấn công bất cứ lúc nào.
Khả Quân nhìn thấy sự khiếp sợ trên mặt các binh sĩ. Họ tin rằng hy
sinh thân mình cho Cách mạng là một vinh dự, nhưng họ kinh sợ những sự
trừng phạt mang tính tôn giáo của người Tây Tạng, những hình phạt mà họ
đã nghe qua những lời đồn rùng rợn. Tinh thần binh sĩ vô cùng sa sút. Họ
không có nước để nấu ăn, khẩu phần ít ỏi và rất thiếu củi để giúp họ chịu
nổi cái lạnh cắt da của đêm cao nguyên.
Đến chính chỗ này trong cuốn nhật ký, chữ viết của Khả Quân bắt đầu
nguệch ngoạc, như thể viết khi đang rất vội. Văn bị thôi thúc muốn đọc
ngay mẩu nhật ký cuối cùng, bà muốn biết sự thực đến chết đi được, nhưng
bà vẫn muốn tiếp tục đọc. Bà có nghĩa vụ với Khả Quân là phải đọc toàn bộ
câu chuyện.
Trong nhật ký, Khả Quân tranh cãi với chính mình xem phải làm gì.
Người Tây Tạng rõ ràng là sẽ không để họ tiếp tục cuộc hành quân. Người
Tây Tạng sẽ trả thù những gì Khả Quân đã làm. Chẳng sớm thì muộn họ sẽ
tấn công đơn vị, và ai mà biết được bao nhiêu binh lính sẽ bị thảm sát. Đơn
vị đã gửi tín hiệu vô tuyến cho căn cứ chỉ huy nhưng không nhận được hồi
âm. Không có gì bảo đảm là quân tiếp viện sẽ được cử tới. Nếu họ không
hành động nhanh thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.