ra được chính viên sĩ quan mà bà nói tới, nhất là vì có quá nhiều hồ sơ đã bị
thất lạc và thông tin về thời kỳ đó rất thiếu tin cậy. Tuy nhiên, họ xác minh
được rằng đúng là có một đơn vị mang số hiệu như bà nói từng đóng tại
Thành Đô. Tuy nhiên, hồ sơ ghi rằng toàn bộ thành viên của đơn vị đã bị
giết.
Nghe những lời đó, tim Văn đau nhói vì tuyệt vọng.
Nhận thấy nỗi buồn trên mặt bà, vị tướng cố an ủi bà. Ông cam đoan
rằng họ sẽ tiếp tục tìm thông tin mới, và họ sẽ tìm trên thực địa được đến
đâu hay đến đấy.
"Tôi không tin rằng bà sẽ ngã lòng," ông nói. "Không một người bình
thường nào có thể bỏ trọn nửa đời để tìm chồng - chỉ tình yêu đích thực mới
có thể sinh ra nổi một quyết tâm nhường đó." Những lời của ông khiến cho
Văn ứa lệ. Ông gợi ý rằng Văn và hai người bạn hãy chuyển đến nhà khách
của Bộ chỉ huy quân sự, ở đó sẽ tiện nghi hơn cho họ.
Bất ngờ Văn cảm thấy toàn thân kiệt sức, một cảm giác xưa nay chưa
từng gặp. Chật vật lắm bà mới đứng vững được.
"Bà có sao không?" viên tướng lo âu hỏi.
"Không sao, cám ơn ông," bà đáp. "Chỉ mệt quá mà thôi."
"Hãy tin tôi," vị tướng nói. "Tôi hiểu bà kiệt sức như thế nào."
Nhà khách quân đội được trang bị đủ thứ thiết bị hiện đại lạ lùng. Có
máy vô tuyến, ấm điện, toa lét có giật nước và bình nước nóng. Thiên An
Môn đặc biệt lo lắng trước những gì bao quanh họ. Văn có cảm tưởng nếu
họ không được cả người Trung Quốc lẫn người Tây Tạng tiếp đón nồng hậu
như thế thì chắc ông đã không muốn ở lại.
Trong những ngày sau đó, Văn ngồi ngóng đợi tin. Suốt bao nhiêu năm
sống với gia đình Gela và lang thang cùng Zhuoma với Thiên An Môn, bà
đã học được cách từ bỏ lòng mong muốn, để cho cái gì đến thì cứ đến.
Trong khi bà đợi, Thiên An Môn trò chuyện với binh lính người Tây
Tạng đóng quân tại bộ chỉ huy. Họ coi ông là một pho sách sống về nghề
nuôi ngựa và thường đến nhờ ông chỉ bảo cách nuôi dạy ngựa. Một người
trong số họ thậm chí còn mời Thiên An Môn đến thăm cha mẹ anh ta sống
ở Lhasa. Tối hôm đó, khi Thiên An Môn quay về căn nhà khách đã khiến