Bắc Kinh. Ở đó bà có thể nộp đơn xin tái định cư và xin trợ cấp hưu trí của
quân đội. Còn về Zhuoma, chúng tôi được biết đúng là có một người thừa
kế nữ đối với cơ ngơi của gia tộc bà, và những nữ trang có một không hai
của bà chứng minh bà đúng là người đó."
Văn và Zhuoma thấy thật hạnh phúc, như thể lần đầu tiên trong nhiều
chục năm qua họ mới được cho biết họ thật sự là ai. Nhưng vẫn có điều gì
đó khiến Văn chưa an tâm.
"Nếu từng có hồ sơ về cái chết của Khả Quân," bà hỏi, "thì tại sao giấy
báo tử của anh ấy lại không nhắc tới anh ấy đã chết như thế nào, hoặc
không phong cho anh ấy danh hiệu liệt sĩ hy sinh vì cách mạng?"
Vị tướng nhìn bà với vẻ nghiêm nghị. "Điều đó thì tôi không trả lời
được," ông nói.
Trong vòng một tuần, Văn, Zhuoma và Thiên An Môn đã ngồi trên máy
bay đi Bắc Kinh, với đầy đủ giấy tờ mà họ cần. Zhuoma được cấp một thư
giới thiệu chính thức cho phép bà tìm một chân dạy học ở Đại học Dân tộc
tại Bắc Kinh nếu bà muốn. Thiên An Môn thì có một văn bản nói rằng ông
đang thăm chính thức Trung Quốc và sau đó sẽ trở về tu viện.
Văn không nói một lời nào trong suốt chuyến bay. Quãng đời bà ở Tây
Tạng, hết cảnh này đến cảnh khác, lướt qua trước mắt bà. Những gương
mặt của gia đình Gela tràn ngập tâm trí bà. Bà lấy bức ảnh Khả Quân nhàu
nát cùng cuốn nhật ký cũ mòn ra, tuôn lên đó một dòng suối lệ lặng lẽ. Khả
Quân sẽ chẳng bao giờ gặp lại vợ mình, khuôn mặt vợ anh giờ đây hằn sâu
linh hồn của Tây Tạng. Anh sẽ ở lại vĩnh viễn trên vùng cao nguyên đó,
dưới trời xanh mây trắng.
Tim bà đầy hồi hộp. Cha mẹ bà có còn sống không? Chị bà nay ở đâu?
Liệu gia đình bà có nhận ra bà không?
Bà lấy con sếu giấy đã bao nhiêu năm bị giam cầm trong cuốn sổ của bà,
mở ra rồi nhẹ nhàng vuốt cho phẳng bức thư của chị bà. Thời gian đã xóa
mờ mọi dấu vết những dòng chữ. Nửa cuốn sách tiểu luận của bà nghe thật
nặng như thể trĩu xuống vì nước và đất của vùng cao nguyên.
Vẫn choàng tỉnh khỏi những ký ức khi giọng một đứa trẻ hỏi mẹ nó
bằng tiếng Trung Quốc: "Mẹ ơi, sao cái bà Tây Tạng này hôi thế?"