"Suỵt, đừng thô lỗ thế," mẹ nó nói. "Người Trung Quốc với người Tây
Tạng có lối sống rất khác nhau. Con không nên nói năng khinh suất như
vậy."
Văn nhìn xuống bộ quần áo xác xơ bạc phếch của mình. Nếu bà không
còn là Trung Quốc nữa thì bà là ai? Nhưng có lẽ câu hỏi đó không quan
trọng. Điều quan trọng là linh hồn bà đã được sinh ra. Vương Lượng nói
đúng: chỉ sống được thôi cũng đã là chiến thắng rồi.
Không thể nào so sánh giữa toa hạng nhất có giường ngủ của Văn trên
đường từ Bắc Kinh về Tô Châu với đoàn tàu lèn chặt như cá mòi đã đưa bà
đến Thành Đô hàng bao nhiêu năm trước. Cũng giống như sự khác biệt giữa
thiên đường với địa ngục vậy, không thể nào nói một mạch mà xong được.
Trái ngược với cao nguyên Tây Tạng, những quang cảnh lướt qua cửa sổ
phòng bà đầy ắp sự sống. Bà ngồi ngắm những căn nhà xây gạch đỏ lợp
ngói xám của Bắc Kinh nhường chỗ cho những căn nhà màu trắng quen
thuộc của vùng châu thổ sông Dương Tử.
Zhuoma và Thiên An Môn không đi cùng Văn trong chuyến trở về Tô
Châu. Bà yêu cầu họ đợi bà ở Bắc Kinh. Bà muốn một mình gặp lại gia
đình.
Suốt cuộc hành trình, nước mắt Văn cứ tuôn thành dòng xuống vạt áo,
mãi không dứt. Mỗi khi nhân viên tàu hay những người đi cùng hỏi thăm
xem có chuyện gì không, bà chỉ lắc đầu. Một trong các nhân viên quan tâm
đến nỗi anh ta thông báo qua loa phóng thanh hỏi xem trên tàu có ai biết
ngôn ngữ dấu hiệu hoặc tiếng Tây Tạng thì đến giúp.
Khi tàu từ từ tiến vào Tô Châu, nhà ga không giống gì với ký ức của
Văn về nhà ga ngày trước. Bà cứ ngỡ đó là nhà ga mới nên liền hỏi xem đến
nhà ga Tô Châu cũ thì đi lối nào. Người ta cho bà biết rằng nhà ga cũ bị phá
rồi. Bà gọi taxi, nhưng nơi bà định tới, tài xế chưa nghe nói bao giờ. Trao
đổi một hồi lâu, anh ta mới vỡ lẽ rằng bà đang nhắc tới một con phố ở vùng
ngoại ô đã bị giải tỏa từ mười năm trước. anh ta cứ nhìn bà như thể bà là
thứ quái vật gì đó, và bà cứ phải nài nỉ anh ta đưa bà tới đấy. Khi tới nơi, bà
sửng sốt trước quang cảnh chào đón bà.