3. Zhuoma
Văn nhẹ nhàng lau sạch bụi bẩn để lộ ra một khuôn mặt có nước da màu
nâu đỏ ấm áp, hai gò má cháy nắng. Văn nhận ra khuôn mặt điển hình của
một phụ nữ Tây Tạng – đôi mắt sẫm màu biểu cảm hình quả hạnh, miệng
gợi cảm với môi trên mỏng môi dưới đầy đặn, mũi rộng và thẳng. Nhưng
nét mặt trẻ trung có vẻ vừa bị tổn thương do phải trải qua thử thách hãi
hùng hay bạo bệnh – đôi mắt đỏ ngầu trông bơ phờ, với cái miệng phồng
rộp đau đớn người phụ nữ chỉ có thể nói líu ríu những âm thanh không ai
hiểu được. Có lẽ cô ta không dính dáng tới những vụ giết người trong đêm
gần đây – một suy nghĩ vụt qua đầu Văn – cô ta đang dở sống dở chết thế
kia mà.
Một người lính đưa cho Văn bình nước, cô đổ từ từ từng giọt vào miệng
người phụ nữ. Khi cơn khát qua đi, người phụ nữ thì thầm bằng tiếng Trung
Quốc hai từ: cảm ơn.
“Cô ta nói được tiếng Trung Quốc!” một người lính hét lên với đám
người đứng xem. Mọi người rất kích động: đây là lần đầu tiên họ ở gần một
người Tây Tạng đến thế, mà cô ta lại nói được tiếng Trung Quốc nữa.
Ngay lập tức ai cũng bắt đầu tự hỏi liệu cô ta có thể giúp họ ngăn chặn
những cuộc tấn công tiếp theo không, biết đâu cô ta có thể bảo vệ bằng cách
nào đó. Văn nhận ra người chỉ huy nhóm liếc về phía cô khi anh bàn bạc
với những sĩ quan từ các xe tải khác. Cô nghĩ chắc họ đang tranh luận xem
phải làm gì với người phụ nữ Tây Tạng.
Vị chỉ huy đi tới chỗ Văn: “Có chuyện gì với cô ta thế? Cô ta có ích lợi
gì cho chúng ta không?”
Văn thấy rõ mạng sống của người phụ nữ đang nằm trong tay cô. Sau
khi bắt mạch và dùng ống nghe để nghe kỹ tim và ngực cô ta, cô quay sang
vị chỉ huy.
“Tôi cho là cô ta kiệt sức quá – cô ta sẽ sớm phục hồi.”