được nhiều hơn. Dần dần người phụ nữ bắt đầu phục hồi và có thể nói
được.
“Cám ơn,” cô ta nói. “Cô thật tốt bụng.” Dù người phụ nữ nói tiếng
Trung Quốc rõ ràng, nhưng giọng cô ta thật lạ.
“Tôi là bác sĩ,” Văn nói, moi óc cố nhớ từ bác sĩ theo tiếng Tây Tạng
mà Khả Quân đã một lần nói với cô, “menba. Tôi có thể chăm sóc cô. Đừng
nói gì. Đợi đến khi cô khoẻ hơn đã. Cô vẫn còn rất yếu.”
“Không có gì nghiêm trọng đâu, tôi chỉ kiệt sức thôi. Tôi có thể nói
được.” Người phụ nữ cố hết sức dịch thân hình rũ rượi tới gần Văn hơn.
“Đừng, cứ ở đó, tôi nghe được cô nói mà. Tên cô là gì?”
“Zhuoma (Trác Mã),” người phụ nữ nói yếu ớt.
“Thế nhà cô ở đâu?”
“Tôi không có nhà. Gia đình tôi đã đi rồi.”
Mắt người phụ nữ đẫm lệ.
Văn không biết nói gì. Sau phút im lặng, cô hỏi, “Tại sao cô lại nói được
tiếng Trung Quốc tốt như thế?”
“Tôi học tiếng Trung Quốc từ bé. Tôi đã đến thăm Bắc Kinh và Thượng
Hải.”
Văn kinh ngạc.
“Tôi quê ở Tô Châu,” cô nồng nhiệt nói, náo nức mong người phụ nữ
biết về thành phố quê hương mình. Nhưng trong phút chốc, gương mặt
Zhuoma trở nên sinh động và đầy giận dữ.
“Vậy tại sao cô lại rời quê hương tới đây giết người Tây Tạng?”
Khi Văn toan phản đối thì người phụ nữ đột nhiên hét lên bằng tiếng
Tây Tạng. Những người lính, vốn sẵn lo lắng và kích động, đứng bật dậy.
Nhưng đã quá muộn: lại thêm một người lính nữa chết, con dao Tây Tạng
đâm qua tim. Đám lính như phát điên trong giây lát, họ vừa xả súng loạn xạ
vừa hò hét. Sau đó lại tĩnh lặng đến rợn người, như thể một số phận khủng
khiếp đang treo lơ lửng trên người đầu tiên dám phát ra một tiếng kêu dù là
khẽ nhất.
Giữa bầu không khí im lặng ấy, một người lính đột ngột lao đến chĩa
súng vào Zhuoma, cô ta vẫn còn quá yếu nên không đứng được.