Vương Lượng đã đúng: chiến tranh vạch ra ranh giới rõ ràng của tình yêu
và lòng thù hận giữa con người.
“Đàn bà thì biết gì về kẻ thù? Hay lòng căm thù?”một giọng nói trong
đám đông hét lên. “Bắn ngay mụ đàn bà Tây Tạng đó đi.”
Văn quay phắt lại phía giọng nói đó. “Ai bảo tôi không biết gì về kẻ thù
hay lòng thù hận? Anh có biết tại sao tôi rời Tô Châu đi hàng nghìn dặm tới
cái chốn khủng khiếp này không? Tôi đến đây tìm chồng. Chúng tôi chỉ
mới cưới được ba tuần thì anh ấy đi tới vùng chiến sự ở Tây Tạng rồi mất
tích. Cuộc sống của tôi thật vô nghĩa nếu thiếu anh ấy.” Văn bật khóc.
Đám lính im lặng. Chỉ có tiếng lốp bốp tí tách của gỗ đang cháy hoà
cùng tiếng khóc của Văn. Bình minh bắt đầu lên và chút ánh sáng lúc ngày
mới rạng đang chiếu sáng trại lính.
“Tôi biết thế nào là căm thù. Nếu chồng tôi thực sự đã chết, chết ở tuổi
hai chín, tôi có mặt ở đây để trả thù, để tìm những kẻ sát hại anh ấy. Nhưng,
các anh không nghĩ là những người dân ở đây cũng căm thù chúng ta sao?
Các anh không tự hỏi chúng ta tại sao chúng ta không nhìn thấy bất kì
người dân nào quanh đây sao? Các anh không nghĩ rằng có thể điều đó liên
quan đến chúng ta sao?”
Văn nhìn một lượt đám thính giả đang im lặng, và cô tiếp tục nói chậm
rãi, suy nghĩ cân nhắc hơn.
“Tất cả những cái chết trong vài ngày vừa qua là một lời cảnh báo đối
với chúng ta. Tôi đã nghĩ về nó rất nhiều. Tôi cũng sợ, cũng đầy căm thù
như các anh thôi. Nhưng tại sao chúng ta tới đây? Người Tây Tạng có chào
đón chúng ta không? Chúng ta đến để giải phóng họ, nhưng tại sao họ lại
căm thù chúng ta?”
“Toàn đội, đứng vào hàng!”
Vị chỉ huy ngắt lời Văn. Khi đám lính đã đứng thành hàng, vị chỉ huy
thì thầm với cô, “Tôi hiểu những gì cô đang nói, nhưng cô không thể nói
với đám lính này theo cách đó. Chúng ta là quân giải phóng, chứ không
phải lực lượng đàn áp. Hãy đứng vào hàng và đợi mệnh lệnh.”
Vị chỉ huy quay sang đám lính. “Các đồng chí, chúng ta đã thấy mình
rơi vào tình thế hết sức nghiêm trọng và phức tạp ra sao. Chúng ta phải nhớ