khăn khi phải sao chép ngần ấy hình vẽ khiến cho cô phát sợ. Hai người đàn
ông quay về Trung Quốc vào năm Zhuoma mười lăm tuổi, mang theo rất
nhiều cuộn giấy da của Tây Tạng, họ để lại cho cô một đống sách lớn, cũng
như nỗi cô đơn sâu sắc và lòng mong mỏi được nhìn thấy Trung Quốc.
Khi lớn lên, cô thường xin cha cô đến thăm Trung Quốc, nhưng ông
luôn nói không, viện cớ là cô còn quá trẻ, hoặc chưa phải dịp thuận tiện.
Nhưng khi nghe cha nói với mọi người rằng ông đang lên kế hoạch tranh
đua với những vị điền chủ khác, gửi con gái tới học Anh quốc bởi vì hai
nước có mối liên kết trong lịch sử, cô bèn doạ sẽ không bao giờ cưới chồng
nếu ông không cho cô đến thăm Bắc Kinh. Cha cô động lòng nên cho phép
cô đi cùng vị điền chủ láng giềng thăm Trung Quốc một chuyến. Vì cô biết
tiếng Trung nên vị điền chủ này đồng ý mang cô cùng đi với điều kiện cô
phải tuân theo luật thiêng Tây Tạng là không nói những gì cô biết và không
hỏi những gì cô không biết.
Và thế là cô thiếu nữ Zhuoma tới Bắc Kinh vào mùa xuân.
“Con người và xe cộ ở đó làm tôi khiếp sợ,” Zhuoma nói với Văn. “Tôi
cứ đinh ninh Bắc Kinh cũng là một vùng đồng cỏ rộng lớn giống như Tây
Tạng, tất nhiên là khác về ngôn ngữ và văn hoá, chỉ thế thôi. Đó là một cú
sốc lớn. Tôi không thể tin được người Trung Quốc nói nhiều đến thế. Mặt
họ dường như quá trắng và quá sạch, hoàn toàn không vương dấu ấn của
cuộc sống. Không có ngựa, không cỏ, cũng chẳng có không gian, chỉ thấy
nào nhà, nào xe, nào người, nào phố, và ồn ã kinh khủng. Rồi Thượng Hải
thậm chí còn làm tôi sốc nhiều hơn. Tôi nhìn thấy những kẻ tóc vàng mắt
xanh – giống những hồn ma mà người ta nhìn thấy trong tranh Tây Tạng –
đi trên phố. Người bạn Trung Quốc đi cùng chúng tôi giải thích họ là
“người Phương Tây” nhưng tôi không biết anh ta muốn nói gì và cũng
không thể hỏi lại vì tôi phải giữ lời hứa không hỏi ‘điều tôi không biết’”.
Khi Zhuoma quay trở lại Tây Tạng, cô rất muốn kể cho mọi người nghe
toàn bộ những chuyện kỳ lạ phấn khích mà cô đã thấy, nhưng không ai hiểu
cô đang nói về cái gì. Dường như trong đầu cha cô đang có chuyện gì đó rất
nghiêm trọng. Nỗi lo lắng và u sầu thường trực trong ông khiến ông chẳng
còn hứng thú với những gì cô kể, trong khi cả hai bà vợ dù thế nào cũng