thành lạt ma như thế. Cô nhận thấy Hồng cầu nguyện với sự thành tâm vượt
xa lứa tuổi chú. Văn nhận ra rằng, sự trưởng thành về đức tin ấy ở một đứa
bé chưa cao tới một mét tư ắt hẳn phải là một thiên đường tâm linh đích
thực.
Ngày nào Văn cũng nhận thấy những điều lạ lùng trong lối sống của
người Tây Tạng, và thường xuyên kinh ngạc trước sự khác biệt giữa phong
tục Tây Tạng với phong tục Trung Quốc. Một hôm, cô phát hiện ra rằng
Gela và Ge’er mới là người làm mọi việc khâu vá trong nhà chứ không phải
Saierbao. Lần đầu tiên thấy Ge’er ngồi khâu áo, cô thật khó tin ở mắt mình.
“Zhuoma ơi,” cô la lên, “lại đây này! Ge’er đang làm gì vậy?”
Saierbao đang đứng gần đó không thể hiểu được phản ứng của Văn. Đàn
ông trong nhà làm việc khâu vá thì có gì lạ? Zhuoma liền giải thích cho chị
ta biết rằng đàn ông Trung Quốc hiếm khi động đến cây kim, rằng khâu vá
hầu như luôn luôn là việc của đàn bà.
Ni cười ngặt nghẽo khi nghe nói thế: “Đàn bà mà lại đi khâu vá à?” cô
bé nói với mẹ. “Đời nào!”
Saierbao lắc đầu, cũng hoài nghi như cô bé trước cái ý nghĩ kỳ quặc đó.
Thế nên chính những ngón tay thô ráp của đàn ông lại chịu trách nhiệm
về quần áo chăn màn cho cả gia đình, ngay đến Ám cũng có thể khâu vá
một đường khá tươm. Ge’er đặc biệt khéo tay về đường kim chỉ, Văn được
biết rằng hầu như bất cứ món đồ nghi lễ nào trong gia đình này đều một tay
anh làm ra hết.
Zhuoma giải thích rằng quần áo của con người từ thời xa xưa nhất ở Tây
Tạng được làm bằng da và lông thú nên phải khâu bằng loại chỉ rất dày. Chỉ
đàn ông mới đủ sức khâu bằng những cái kim giống như cây sào sắt và sợi
chỉ to như dây thừng. Mặc dù ngày nay đàn bà cũng có thể khâu vá nhưng
truyền thống xưa vẫn tồn tại.
Văn tha thiết muốn đền đáp lòng hiếu khách của gia đình bằng cách đỡ
đần công việc cho họ. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng mặc dù
Saierbao vẫn thường vừa làm việc vừa đung đưa người và khe khẽ hát, song
công việc hoàn toàn không nhẹ nhàng một chút nào.