Ban đầu cô không thể nào vắt sữa bò cho được. Công việc đó đòi hỏi
phải cực kỳ khéo léo. Mệt bã người, mồ hôi như tắm, Văn vẫn chẳng làm
được trò trống gì mà còn bị kêu ca, và tất nhiên là chẳng được tí sữa nào.
Ngay cả Bát khi lặng lẽ đưa cho cô một mảnh vải để lau mồ hôi cũng không
nén được một nụ cười nhẹ thoáng trên mặt.
Làm bánh phân bò xem ra dễ hơn, nhưng chẳng mấy chốc Văn nhận ra
rằng nhìn thì vậy chứ không phải vậy. Trước khi phơi khô phân thì phải
gom phân lại đã. Cô phải dùng một cái xẻng khum khum chuyên dùng để
hót phân, rồi hắt khéo mớ phân còn chảy ròng ròng vào cái bị đeo sau lưng.
Sau đó phải nhào phân, vỗ thành bánh, phơi nắng, rồi lèn chặt vào bao tải,
đem vào cất trong lều. Văn rốt cuộc thường hắt phân lên khắp mình mẩy
quần áo thay vì vào cái bị sau lưng. Cô la lên với Zhuoma rằng cô nhắm
đích kém quá.
Trong mọi công việc thì lấy nước là thuần túy cần sức, đòi hỏi ít kỹ
năng nhất. Nhưng việc này lại cần sức hỏe. Văn khó lòng chịu nổi thùng
nước nặng trĩu nên bước đi hết sức lảo đảo xiêu vẹo. Thường thì chưa về
được nửa đường là cô đã làm sánh gần hết nước ra rồi.
Điều Văn muốn nhất là làm sao nắm vững được kỹ thuật đánh bơ.
Saierbao nói mẹ chị thường bảo đây là công việc nặng nhọc nhất của đàn
bà, nhưng cũng là một trong những kỹ năng kiến chị được người ta nể trọng
nhất bởi vì bơ (và sữa chua cùng với pho mát tươi làm bằng chỗ còn sót lại)
vốn dĩ là thành phần chủ yếu của ba bữa chính trong ngày. Để đánh bơ, phải
dùng một cái sào gỗ mà khuấy sữa trong một thùng gỗ hàng trăm lần cho
tới khi chất béo tách khỏi bơ, có thể dùng muôi để hớt. Rồi còn phải tách
pho mát tươi ra khỏi chỗ nước còn lại. Pho mát tươi ráo nước có thể đem
làm thành bánh cùng với tsampa và thường dùng để dân cúng những khi lễ
lạt.
Dụng cụ và các cách thức được dùng để đánh bơ làm Văn nhớ lại những
thí nghiệm hóa học hồi cô còn ở trường đại học. Tuy nhiên, sau nửa buổi
sáng giúp Saierbao, cô khó lòng nhấc nổi tay lên, và đến tối tay cô yếu đến
nỗi không cầm nổi đồ ăn mà ăn nữa.