“Họ sắp đi thăm một người thợ đá mani, ông ấy sẽ giúp khắc thần chú
mani lên đá để họ được bảo vệ chống lại cái ác và làm ăn phát đạt,”
Zhuoma đáp. “Chị không thấy là chúng ta thường đi qua những tảng đá
khắc đầy chữ và tranh đó sao?”
Văn đã băn khoăn khi thấy những dòng chữ được khắc trên dá, rồi thì cô
lại gặp những đống đá nhỏ đẽo gọt cẩn thận ở khắp nơi. Tuy nhiên cô vẫn
nhớ đinh ninh rằng người Tây Tạng kiêng hỏi han về tôn giáo nên không
dám hé môi gì về chuyện đó. Càng ở lâu với gia đình Gela, cô càng cảm
động trước tinh thần tôn giáo của họ, nên cô rất vui khi Zhuoma đề nghị sẽ
nói cho cô biết thêm về các tảng đá mani trong khi họ đi lấy nước.
Kể từ cuộc nói chuyện kéo dài lần đầu trong cabin chiếc xe tải quân đội,
Zhuoma và Văn luôn tránh đả động quá nhiều về chính trị và tôn giáo, như
sợ rằng làm vậy có thể sẽ hại đến tình bạn đang nảy nở dần giữa họ. Nhưng
bây giờ, Zhuoma dường như rất sẵn lòng giải thích về tôn giáo của Tây
Tạng cho Văn, như thể mấy ngày gần đâu cô đã làm nảy sinh một lòng tin
cậy mới trong lòng Zhuoma.
“Có một số người,” cô gái giải thích, “cảm thấy mình có thiên hướng
mạnh mẽ muốn đến sống ở những ngọn núi thiêng, ngày nào cũng đi chọn
những hòn đá hay mặt đá để khắc lên đó các thần chú mani. Thường thì hễ
nơi nào có đám cưới hoặc đám tang, có người hay thú bị ốm hay có bất cứ
chuyện không hay nào xảy ra trong một gia đình, chủ gia đình sẽ lên núi để
dâng cúng và cầu nguyện xin được đoái thương. Họ dâng bò, cừu và các
món đồ khác cho người thợ đá, người này sẽ chọn cho họ một hòn đá trên
ngọn núi đó rồi khắc lên đấy sáu âm tiết của đại thần chú. Người ta có thể
khắc bằng nhiều loại thư pháp khác nhau và tô bằng nhiều màu. Một số hòn
đá mani được khắc trọn cả đoạn kinh Phật, những hòn khác tạc hình Đức
Phật.
“Người ta không mang những hòn đá mani theo mình. Đó chỉ là biểu
tượng dành cho đức tin và giúp họ được khuây khỏa tinh thần. Chính vì vậy
chị mới thấy hàng đống đá mani giữa những tảng đá núi mà chúng ta đi
ngang qua.”
Văn chăm chú lắng nghe lời giải thích của Zhuoma.