Tôi nhìn bà đăm đăm ngờ vực. Tôi không thể hình dung nổi làm sao một
người phụ nữ trẻ tại thời điểm đó lại có thể mơ tưởng chuyện đi đến một
nơi xa xôi và khủng khiếp như Tây Tạng. Chính tôi cũng từng được phân
công một chuyến tác nghiệp báo chí ngắn ngày tới rìa Đông Tây Tạng vào
năm 1984. tôi đã bị choáng ngợp trước độ cao, phong cảnh hùng vĩ, hoang
vu và điều kiện sống khắc nghiệt ở đó. Hơn ba mươi năm, điều gì đã khiến
một phụ nữ Trung Quốc trẻ đến Tây Tạng?
“Lúc ấy tôi là một thiếu phụ đang yêu,” bà nói. “Tôi không nghĩ đến
chuyện tôi sẽ đối mặt với cái gì. Tôi chỉ muốn tìm chồng.”
Tôi cúi đầu xấu hổ. Tôi biết gì về thứ tình yêu có thể dẫn đến một phản
ứng tột cùng đến thế? Tôi đã nghe rất nhiều chuyện tình yêu từ những
người gọi đến chương trình phát thanh, nhưng không gì giống vậy. Thính
giả của tôi quen với một xã hội có truyền thống kìm nén cảm xúc và che
đậy ý nghĩ. Tôi không hình dung nổi rằng những người trẻ tuổi ở thế hệ mẹ
tôi lại có thể yêu nhau mãnh liệt đến thế. Người ta không nói gì nhiều về
thời kỳ đó, lại càng không nói về cuộc xung đột đẫm máu giữa người Tây
Tạng và người Trung Quốc. Tôi khao khát muốn biết câu chuyện của người
phụ nữ này, vốn xảy ra vào quãng thời gian khi Trung Quốc đang dần phục
hồi sau cuộc nội chiến khốc liệt trong thập niên trước đó giữa phe Quốc dân
đảng với những người Cộng sản, và Chủ tịch Mao đang tái thiết đất nước.
“Bà gặp chồng mình trong hoàn cảnh nào?” tôi hỏi, hy vọng bằng việc
quay trở lại điểm xuất phát của câu chuyện, tôi có thể khuyến khích người
phụ nữ bí ẩn này tin tưởng mà giãi bày tâm sự với tôi.
“Ở Nam Kinh,” bà đáp, hai mắt nhắm hờ. “Tôi sinh ra ở đó. Khả Quân
và tôi quen nhau ở trường y.”
Sáng hôm đó, Thư Văn kể cho tôi nghe về thời trẻ của mình. Cách nói
chuyện của bà giống kiểu một người phụ nữ không quen trò chuyện, hay
dừng lời và nhìn đăm đắm xa xăm. Nhưng ngay cả sau ngần ấy thời gian,
lời nói của bà vẫn cháy bỏng tình yêu dành cho chồng.
“Khi những người Cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước vào
năm 1949, tôi mười bảy tuổi,” bà kể. “Tôi nhớ là mình bị cuốn theo làn
sóng lạc quan chủ nghĩa đang tràn ngập đất nước Trung Quốc. Cha tôi làm