thư ký cho một công ty người Tây. Ông không đến trường mà tự học. Cha
tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chị gái tôi và tôi nên được học hành đến nơi đến
chốn. Chúng tôi thật may mắn. Đa số dân chúng vào thời kỳ ấy là nông dân
thất học. Tôi đến học tại một trường truyền giáo, sau đó thì tới trường Cao
đẳng Nữ sinh Jingling để học y. Trường do một phụ nữ Mỹ sáng lập vào
năm 1915. bấy giờ trong trường chỉ có năm sinh viên Trung Quốc. Khi tôi
vào học thì trường đã có hơn 100 sinh viên Trung Quốc. Hai năm sau, tôi
học lên đại học, nghiên cứu về y khoa. Tôi chọn chuyên ngành da liễu.
“Khả Quân và tôi quen nhau khi anh ấy hai mươi lăm còn tôi hai mươi
tuổi. Hồi đầu mới gặp Khả Quân, anh ấy đang làm trợ lý phòng thí nghiệm
cho thầy giáo lớp giải phẫu. Trước đó tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy một
thân người bị cắt xẻ. Tôi nấp sau lưng các bạn cùng lớp giống như con thú
đầy sợ hãi, thậm chí hoảng quá không dám cả nhìn vào xác chết trắng nhợt
ướp phoóc môn. Khả Quân cứ nhìn vào mắt tôi mà cười. Dường như anh ấy
hiểu và thông cảm cho tôi. Hôm sau, anh ấy đến tìm tôi rồi cho tôi mượn
một cuốn sách biểu đồ giải phẫu có tô màu. Anh ấy nói tôi sẽ hết sợ nếu có
tìm hiểu chúng trước. Anh ấy nói đúng. Sau khi đọc cuốn sách vài lần, tôi
thấy buổi học giải phẫu tiếp theo dễ dàng hơn nhiều. Từ đó trở đi, Khả
Quân luôn kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi của tôi. Anh ấy sớm trở nên
thân thiết với tôi hơn cả một người anh lớn hay một người thầy. Tôi bắt đầu
yêu anh ấy bằng tất cả trái tim mình.”
Mắt Thư Văn vẫn bất động như thế - nhìn riết vào cái gì đó mà tôi
không thể thấy.
“Mọi người đều khâm phục Khả Quân,” bà nói tiếp. “Anh ấy mất hết
người thân trong chiến tranh Trung-Nhật, và chính phủ tài trợ cho anh ấy đi
học trường y. Bởi vì nhất quyết trả khoản nợ này nên anh ấy học hành rất
chăm chỉ và là một sinh viên nổi bật. Nhưng anh ấy cũng đối xử với mọi
người xung quanh rất tốt và hoà nhã, đặc biệt là với tôi. Tôi vô cùng hạnh
phúc… Sau đó, giáo sư của Khả Quân quay về sau chuyến viếng thăm các
chiến trường trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên kể cho anh ấy chuyện
những người lính quả cảm bị thương trong các trận đánh khủng khiếp đó đã
phải tự xoay xở khi không hề có bác sĩ hay thuốc men ra sao, cứ mười