Ni mặc. Gela bảo Bát đưa Hồng ra ngoài, rồi ra hiệu bảo Văn giúp anh cởi
quần áo Ni ra. Trên lớp đồ lót bên dưới áo ngoài họ thấy có vấy máu hết lớp
này đến lớp khác.
Giờ thì Văn hiểu tại sao tối nào Ni cũng khóc: chắc hẳn cô bé bị chảy
máu như thế này từ lâu lắm rồi. Cô nhớ Zhuoma có kể cho cô rằng bởi việc
gánh nước rất nặng nhọc nên phụ nữ rất khéo léo trong chuyện hà tiện giặt
giũ quần áo và thường cố hết sức để tránh bị dính máu khi có kinh. Do vậy
việc Ni chảy máu có thể chỉ là một kỳ kinh nguyệt bình thường thôi.
Cố kìm nước mắt, Saierbao ra hiệu bảo Văn rằng vấn đề này tất cả họ
đều biết từ lâu nay, nhưng chẳng biết phải làm gì.
Gela nhúng một mẩu vải nỉ vào nước nóng, vắt cho khô, ngậm rượu lúa
mạch đầy mồm rồi nhổ lên đó hai lần, lại vắt khô rồi đi đến chỗ tượng Phật
để cầu nguyện. Sau đó anh quấn mẩu vải nỉ quanh hai bàn chân Ni và lại
nhổ một bụm rượu lúa mạch lên trán cô bé. Môi của Ni khẽ động đậy và
mắt cô hé mở. Cô ngước nhìn me đang vừa xoay bánh xe cầu nguyện vừa
tụng niệm trước bàn thờ. Gela gọi Saierbao đến rồi đặt tay đứa con bé vào
tay chị. Ni mỉm cười yếu ớt, rồi lại nhắm mắt.
Văn tiến lên bắt mạch cô bé. Mạch vô cùng yếu và cô bé vẫn tiếp tục
mất máu. Thế nhưng không có thiết bị y tế hay thuốc men thì Văn chẳng thể
làm gì để giúp cô. Văn bị giằng xé bởi cảm giác có lỗi và thất vọng.
Suốt ngày hôm đó, cả gia đình lặng thinh túc trực bên cạnh Ni, kể cả
Hồng dù đói đến đến nỗi phải mút ngón tay cũng hoàn toàn im lặng.
Saierbao và Gela cũng quỳ trước tượng Phật, vừa tung kinh vừa xoay bánh
xe cầu nguyện không ngừng nghỉ.
Đến hoàng hôn, tiếng vó ngựa phi cho biết Ge’er quay về. Anh cầm
trong tay một cái túi, ba người lớn liền nhanh chóng mở túi ra. Họ trộn chất
bột đựng trong đó với nước rồi bón cho Ni. Văn quan sát, như bị mê hoặc,
nhưng hoàn toàn không biết họ đang bón cái gì cho cô bé. Mười phút sau,
Văn thấy má Ni hơi có màu trở lại.
Đêm đó không ai ngủ. Gela ra hiệu bảo Văn đi nghỉ khi thấy cô đã kiệt
sức. Cô nằm xuống, lắng nghe tiếng xoay bánh xe cầu nguyện cho đến khi
rạng sáng.