Bức ảnh Khả Quân ố vàng đi. Khuôn mặt anh trông nhàu nhĩ, nhăn
nhúm.
Bởi không còn cơ hội nào để thoát nữa, Văn thôi không nghĩ về việc
làm sao thoát khỏi cảnh này. Thân thể và tâm trí chị đã thích nghi với cách
xử trí mọi việc của người Tây Tạng; chị thôi không còn quá bận tâm đến
những nhu cầu và mong muốn của mình. Khi cả gia đình cầu nguyện, chị
cũng cầu nguyện, cũng xoay bánh xe pháp của riêng mình. Chị thêm vào lời
kinh những lời của Vương Lượng: “Chỉ sống được thôi cũng đã là chiến
thắng rồi.”
Cơ hội để Văn tiếp xúc gần nhất với thế giới ngoài túp lều của gia đình
Gela là lễ hội Weisang (Vi Tang). Vào mùa thu, cánh đàn ông từ khắp vùng
tụ tập lại rất đông để dâng cúng tổ tiên. Do phụ nữ không được phép tham
gia nên Văn, Saierbao, Bát và Hồng ngồi trên sườn đồi quan sát trong khi
hàng trăm kỵ sĩ mang cờ phướn màu sắc sặc sỡ di chuyển thành đội hình
theo nghi thức xung quanh bàn thờ hiến thế. Gela thường mang đồ trang
sức về cho Saierbao, chỗ trang sức đó sẽ nhập chung vào số rất nhiều nữ
trang mà chị vẫn dùng để làm đẹp. Ban đầu Văn không hiểu làm sao gia
đình này vốn nghèo mà lại có thể tiêu tiền cho những món xa xỉ thay vì mua
súc vật. Nhưng cùng với thời gian, chị nhận ra rằng đồ trang sức không
được coi là của cải vật chất, mà thật ra là những món đồ mang tính tôn giáo.
Gela, Ge’er và Án không thể năm nào cũng dự lễ Weisang nhưng luôn
cố tham dự càng thường xuyên càng tốt. Lần đầu tiên Văn thấy họ ra đi trên
lưng ngựa, chị rất lo. Kích cỡ của những cái bọc họ mang theo cho thấy họ
sẽ đi khá lâu và chị không hiểu tại sao họ lại ra đi để lại đàn bà trẻ con một
mình. Chính Bát là người cố giải thích cho chị hiểu. Cô bé bắt chước Văn
vẽ một bức tranh trên nền bột lúa mạch cho thấy ba vầng mặt trời được
trang trí bằng những dụng cụ để ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Dưới vầng mặt
trời ở giữa, cô vẽ ba người đàn ông. Đến đó thì Văn hiểu cánh đàn ông sẽ
đến đích cần đến vào giữa trưa và sẽ không đi quá xa. Nhưng chị vẫn còn
rất bối rối.
Hai ngày sau, Saierbao bảo lũ con thay quần áo mặc vào dịp lễ và tìm
được một dải lụa màu để quấn quanh eo Văn. Họ buộc gia súc bằng thừng