đuôi bò bên ngoài lều, đóng chắc cửa rồi cưỡi ngựa lên đường. Trong khi
chuẩn bị ra đi, Saierbao rất ít sai bảo lũ trẻ, và chúng đi theo họ mà không
nói năng gì. Đến giờ thì Văn đã quen với kiểu làm mọi việc trong im lặng
của nhà này nên cảm thấy ít băn khoăn hơn.
Sau ba giờ ruổi ngựa, họ dừng lại để ăn. Bất ngờ Hồng chỉ ra đằng xa,
vừa cười to vừa hét. Ở đằng xa là cả một biển người và cờ xí. Những lá cờ
phấp phới trong làn gió nhẹ hòa lẫn với những biểu ngữ bay phần phật cắm
trên mặt đất, đâu đâu cũng sống động những sắc màu và chuyển động. Khói
và mùi gỗ cháy từ ngọn lửa thiêng bốc lên bao trùm cảnh vật trong một màn
sương lung linh. Văn ngỡ như mình được đưa vào một thế giới khác. Sau
hàng bao nhiêu tháng sống cách biệt, cô đơn, những đám đông, màu sắc và
tiếng ồn ào cứ như là ảo ảnh.
Qua năm tháng, Văn trở nên quen với những biểu hiện khác thường đó
của đức tin. Chị cũng đã quen với việc thiếu tin tức từ thế giới bên ngoài.
Sự thay đổi duy nhất trong đời chị do lễ Weisang mang lại là việc Án lấy
vợ, trong một đám cưới được hai gia đình thu xếp tại đám hội. Vợ của Án,
Maola (Mao Lạp), có tính khí rất giống Saierbao: một phụ nữ ít nói, nghiêm
trang, chăm chỉ, luôn luôn mỉm cười. Mặc dù Án vẫn tiếp tục chơi đàn bên
ngoài lều hàng đêm, nhưng tiếng nhạc của anh giờ đây nghe phơi phới hạnh
phúc hơn trước nhiều.
Không lâu sau đám cưới, Maola có thai. Hai con cừu bé bị tách ra khỏi
bầy và buộc vào lều. Văn quan sát cảnh người ta vỗ béo hai con cừu để bồi
bổ cho Maola lúc sinh nở và để mừng sự xuất hiện một thành viên mới của
gia đình. Chính giữa lúc kinh ngạc quan sát Gela và Ge’er khéo léo trao một
bé gái khỏe mạnh vào tay Án, Văn mới nhận ra rằng tuy bản thân chị vốn dĩ
là bác sĩ và thực chất là một phụ nữ Trung Quốc, nhưng điều đó đã rời bỏ
chị.
Tối hôm đó, Gela dẫn dắt cả nhà cầu nguyện cho bé mới ra đời.
Saierbao và Văn làm việc quần quật suốt ngày để chuẩn bị cho bữa tiệc.
Trong bữa tiệc, Saierbao đưa cho Văn một chiếc chân cừu nướng giòn.
Theo chỗ Văn nhớ, phần chân cừu xưa nay luôn luôn được dành cho Gela