rồi. Chồng yêu dấu của em ơi, đêm nay xin hãy cho em biết trong mơ rằng
anh đang ở đâu.” Nhưng Văn thức trắng đêm, chẳng mơ thấy gì.
Ngày hôm sau, một vị lạt ma đến chỉ để nói với Văn rằng họ sẽ báo cho
toàn thể tu viện biết chuyện bà đi tìm chồng vào giờ tranh luận kinh văn, và
họ cũng sẽ hỏi các khách viếng thăm cũng như khách tham quan đến dự lễ
Hoạt Phật sắp tới.
Lúc rạng đông vào ngày lễ, mấy tiếng cồng to rền vang đánh thức Văn
dậy. Nhìn ra ngoài cửa sổ, bà thấy một bóng người đứng in hình lên mái tu
viện: một vị lạt ma mặc áo choàng đỏ tía đang gõ thật lực vào một cái cồng
to bằng đồng. Suốt hai tiếng đồng hồ sau đó người ta nghe tiếng các lạt ma
tụng kinh, tiếng tụng rì rầm lúc lên lúc xuống vang vọng khắp các tòa nhà.
Văn nghĩ đến Saierbao, Zhuoma và Ni, ba người phụ nữ thành tín đã dành
suốt đời mình tụng niệm, đọc kinh.
Ngay trước khi lễ bắt đầu, một chú tiểu chạy ra nhà khách để tháp tùng
các vị khách đến sân tu viện, chỗ trước cánh cổng có trang trí dẫn vào tu
viện. Chú bố trí cho khách ngồi ở hàng trước, là vị trí tốt nhất để được Hoạt
Phật ban phúc lành.
Đây là lần đầu tiên Văn được quan sát một buổi lễ tôn giáo ở Tây Tạng
ở khoảng cách gần đến thế. Bà ngắm nhìn biển cờ xí, mê mải cứ như bị bỏ
bùa. Trước các cửa tu viện, người ta dựng tám cái tù và dài, hai bên đó là
các lạt ma đội mũ cao dựng đứng. Các lạt ma mặc lễ phục đứng thành một
hình vuông lớn. Đột nhiên, một nhóm lạt ma đứng thành hàng mặc áo
choàng màu đỏ và vàng thổi những chiếc kèn lấp lánh. Một nhóm diễn viên
trông hao hao giống nghệ sĩ Kinh kịch từ trong tòa nhà tu viện sải bước đi
ra. ‘Đó là các lạt ma sẽ biểu diễn điệu múa’, Bát thì thầm với Văn. ‘Khi lễ
Hoạt Phật đã xong, đừng quên cùng với cháu tiến lên phía trước để cho ngài
sờ đầu cô.”
Thật là một quang cảnh tuyệt vời. Hàng chục vũ công mặc quần áo sặc
sỡ, đội những cái đầu giả tượng trưng cho ngựa và bò đứng chật cả sân. Các
lạt ma tụng kinh, thổi tủ và bằng đồng và vỏ xà cừ. Tiếng kèn từ những
chiếc tù và dài hơn giữ nhịp cho điệu múa, trong khi vị Hoạt Phật đi vòng