“Chúng tôi có nhiều điều muốn hỏi chị,” ông ta nói, “nhưng tôi cảm
thấy chị cũng có những điều muốn hỏi chúng tôi. Ta lên sườn đồi kia ngồi
đi.”
Nhóm người nhỏ ngồi quây thành vòng tròn trên sườn đồi. Bên cạnh
người đàn ông ban nãy, Văn được biết là quê ở Hồ Bắc và làm trong ngành
nông nghiệp, còn có một chàng trai và một cô gái quê Hà Nam làm kỹ thuật
viên ở một bệnh viện Tây Tạng, và một phụ nữ lớn tuổi hơn, người Tứ
Xuyên, làm giáo viên. Bọn họ mỗi người có một lý do riêng để lên Tây
Tạng sống. Những người trẻ cho bà biết họ dựa vào chính sách khuyến
khích về tài chính do chính phủ Trung Quốc đưa ra để chuyển lên Tây
Tạng; ở đây có thể tìm được nhiều việc làm. Người đàn ông có tuổi cho biết
ông đến Tây Tạng vào hồi thập niêm 70 khi người ta có nhu cầu tuyển công
nhân nông nghiệp từ Hồ Bắc, bởi ở Tây Tạng hồi đó tốt hơn là ở Trung
Quốc, nơi tình hình chính trị đang rối ren. Người phụ nữ nói, do Tứ Xuyên
gần biên giới Tây Tạng nên bà đến Tây Tạng vào thập niên 60 để “hỗ trợ
vùng biên giới.”
Phải mất một hồi lâu Văn mới giải thích được với họ vì sao bà chuyển
sang mặc y phục Tây Tạng, vì sao khuôn mặt bà dạn dày sương gió, đôi bàn
tay bà thô ráp. Khi bà kể xong, cả nhóm ngồi lặng thinh. Họ nhìn bà vẻ nghi
ngờ.
Chính người phụ nữ phá tan sự im lặng.
“Chị có biết là giao tranh giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng đã
chấm dứt từ lâu rồi không?” bà ta hỏi.
Văn không đáp, mặc dù tâm trí bà quay cuồng trước cái tin này. Dường
như không có cách nào nói cho những người kia hiểu bà dã sống một cuộc
sống tách biệt như thế nào. Họ hầu như chẳng biết gì về những đồng bằng
trơ trụi vùng Thanh Hải hay về lối sống du mục. Mặc dù sống ở Tây Tạng,
họ vẫn khép kín trong cộng đồng Trung Quốc của mình. Làm sao bà có thể
nói cho họ biết bà đã sống ở một nơi không hề có chính trị, không có chiến
tranh, chỉ có một lối sống cộng đồng tự túc và tự tại, mọi thứ đều được chia
sẻ - và không gian vô tận, nơi thời gian trải dài không dứt.