“Làm ơn cho tôi biết hiện giờ tình hình giữa người Trung Quốc và
người Tây Tạng ra sao?” bà hỏi.
Người phụ nữ và các bạn bà nhìn nhau.
“Trong thời gian chị ở Tây Tạng, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều,”
người phụ nữ nói. “Nhiều lắm, chắc chị không đoán được đâu. Chúng tôi
khó mà biết được chính xác điều gì đang xảy ra ở Tây Tạng và tại sao Đạt
Lai Lạt Ma không còn ở đây nữa.”
Kể từ những cuộc trò chuyện với Zhuoma từ nhiều năm trước, Văn
không nghĩ đến Đạt Lai Lạt Ma nhiều lắm, nhưng dù vậy bà vẫn sửng sốt
khi biết rằng ngài không còn sống ở Điện Potala như bà tưởng.
“Nhưng vì sao ngài lại bỏ đi?” bà hỏi.
“Tôi không biết,” người phụ nữ nói. “Tôi nghe người ta nói quan hệ
giữa chính phủ Trung Quốc với Đạt Lai Lạt Ma hồi đầu khá tốt, vào đầu
những năm 50 chính phủ Cộng sản còn được nhân dân Tây Tạng và giới
tinh hoa Tây Tạng ủng hộ. Nếu không thì cớ sao Đạt Lai Lạt Ma, hồi đó đã
đi trốn ở làng Đông Á Sơn Khẩu bé xíu heo hút vùng biên giới, lại quay về
thủ đô Lhasa? Và cớ sao ngài lại cử đại diện tới Bắc Kinh vào năm 1951 để
ký “Thỏa ước Giải phóng Tây Tạng trọng Hòa bình” với chính phủ Trung
Quốc nhằm biến Tây Tạng thành một khu tự trị của Trung Quốc? Rõ ràng là
cuộc gặp giữa Đạt Lai Lạt Ma với Mao Chủ tịch hồi năm 1954 rất thân
thiện và Đạt Lai Lạt Ma rất ấn tượng trước trí tuệ và năng lực của Mao Chủ
tịch. Người ta nói rằng bài thơ ngài viết để ca ngợi Mao Chủ tịch và câu
“Vạn Phúc Kim Luân” ngài trao tặng cho Bắc Kinh là bằng chứng cho điều
này. Trong năm đó, cả ngài lẫn Ban Thiền Lạt Ma đều chấp nhận quyền ủy
trị của chính phủ Trung Quốc tại Đại hội Quốc dân, cho thấy rằng Tây Tạng
tán thạnh chế độ Bắc Kinh.”
“Vài người nói thế,” người đàn ông đứng tuổi chen vào, “song những
người khác tin rằng lúc đó Đạt Lai Lạt Ma còn trẻ người non dạ, dễ bị
người ta tác động. Chính phủ Bắc Kinh đã tẩy não ngài. Nhưng mặc dù họ
có thể tìm được cách gây ảnh hưởng lên cảm tính của ngài đối với những
vấn đề nhỏ, họ không bao giờ có thể khiến được ngài từ bỏ niềm tin vào nền
độc lập của Tây Tạng. Người ta có thể nói rằng hồi đầu những năm 50 Mao