“Có lẽ nếu chị đi Lhasa thì các sĩ quan quân đội ở đó sẽ có nhiều thông
tin hơn, hoặc là sẽ giúp chị quay về Trung Quốc,” người phụ nữ nói.
Văn cảm ơn. Mặc dù trọn tâm hồn bà mong mỏi được trở về Tô Châu để
ôm cha mẹ và chị gái trong vòng tay, bà biết rằng chừng nào chưa có được
tin tức gì về Khả Quân và Zhuoma, bà không thể rời Tây Tạng. Thế là bà
dõi theo những người Trung Quốc đầu tiên bà gặp trong nhiều năm qua dần
rời xa mình. Trong một thoáng, bà thấy thôi thúc muốn chạy theo họ, nhưng
bà kìm mình lại. Giờ đây bà không thuộc về họ nữa. Ge’er và Bát là gia
đình của bà.
Khi trở về phòng mình ở nhà khách, bà gặp một vị lạt ma ngồi ngoài
cửa, trên nền đất, vừa lần tràng hạt vừa tụng niệm. Khi thấy bà, ông ngẩng
lên nhìn.
“Tôi nghe người ta nói bà đang tìm một phụ nữ tên là Zhuoma.”
“Vâng,” Văn phấn khởi nói. “Ngài có biết gì không ạ?”
“Tôi cũng đang đi tìm bà ấy,” vị lạt ma nói. “Nhiều năm trước đây, tôi là
đầy tớ của bà ấy. Chúng tôi bị lạc nhau khi đang đi trong một cơn bão. Tôi
lang thang nhiều ngày tìm bà ấy và lẽ ra đã chết nếu như một vị lạt ma ở tu
viện này lúc đó đang hái cỏ làm thuốc ở trên núi không tìm ra tôi và mang
về đây. Từ đó đến nay tôi hiến đời mình cho tu viện này, nhưng tôi chưa
bao giờ thôi hỏi tất cả khách đến thăm chùa, để may ra biết được tin gì về
bà chủ quý mến của tôi.”
Văn khó nhọc mới nói nên lời. “Ngài là Thiên An Môn,” bà nói.
Vị lạt ma sửng sốt. “Phải,” ông nói. “Bà ấy gọi tôi là Thiên An Môn.”
Những ngày tiếp sau lễ Hoạt Phật, Thiên An Môn thường đến thăm
Văn, Ge’er và Bát trong thời gian rảnh giữa các buổi đọc kinh ở sảnh đường
lớn của tu viện. Khi nghe kể câu chuyện về Zhuoma, ông siết chặt hai bàn
tay to tướng cho đến khi các khớp kêu răng rắc. Sau đó ông có vẻ đăm
chiêu. Ông bảo họ rằng ông đã gửi thư thỉnh cầu tu viện trưởng xin được
nghỉ phép rời khỏi tu viện một thời gian. Ông muốn cùng họ đi tìm
Zhuoma. Ít lâu sau, ông đến gặp họ mang theo tin vui rằng đơn xin của ông
được chấp thuận. Chưa hết, tu viện trưởng còn sẵn sàng ban phúc cho cuộc
tìm kiếm của họ, cuộc tìm kiếm mà ở đó số phận của người Trung Quốc gắn