“Tôi muốn đến Lhasa,” bà nói. “Tôi nghĩ ở đó tôi có thể tìm thấy những
người ở trong quân đội Trung Quốc. Có thể họ có hồ sơ ghi lại chuyện gì đã
xảy ra với trung đoàn của chồng tôi.”
Zhuoma liếc sang Thiên An Môn vẻ dò hỏi.
“Tôi sẽ đưa cả hai vị đến Lhasa,” ông nói, “nhưng sau đó tôi có nghĩa vụ
phải quay về tu viện.”
Phải khó khăn lắm Văn mới có thể nhìn Zhuoma. Bà đau đớn nhận ra
rằng người bạn của mình rồi sẽ phải một lần nữa đối mặt với nỗi đau mất
người bà yêu.
Tôi nghĩ đến cảnh Văn và Zhuoma đối diện nhau, tóc bạc, sợ không
dám nói quá nhiều, thận trọng không dám hỏi nhau nhiều. Cả hai đều biết
có những điều không nên bàn tới. Rằng họ không đủ sức. Rằng sau quá
nhiều năm mất mát đổi thay, trái tim họ hẳn không còn đủ sức chịu đựng
nữa.
Nhiều lần tôi tự hỏi những gì có thể đã xảy ra với Zhuoma trong những
năm xa cách Văn. Có lẽ bà ấy đã bị bắt cóc để làm vợ một ai đó. Chuyện
này thường xảy ra ở những vùng dọc theo Con Đường Tơ Lụa. Suốt nhiều
thế hệ, người Mông Cổ, người Tây Tạng và người Trung Quốc sống gần
Con Đường Tơ Lụa vẫn thường tấn công các thương đoàn để tìm vợ cho
mình. Đôi khi, nếu người phụ nữ giàu có, những kẻ bắt cóc sẽ thỏa thuận
với bà ta rằng bà ta chỉ cần sống với vợ chồng trong một thời hạn nhất
định. Có lẽ đây là trường hợp của Zhuoma. Khi gặp Thư Văn và Thiên An
Môn, bà vẫn đang đeo các món nữ trang của tổ tiên. Điều này cho thấy
chồng bà có lẽ là một người giàu có, quyền thế, nên tôn trọng tài sản của
vợ mình. Dù thế nào đi nữa, và nếu điều tôi đoán là đúng, thì cũng khó hình
dung được một phụ nữ có học vấn như Zhuoma phải chịu thống khổ như thế
nào trong suốt những năm bị ép làm vợ ấy, hay làm thế nào bà thích nghi
được với cuộc sống sau đó.