cưỡi ngựa về phía Đông dọc theo ven hồ, họ quan sát những con chim tìm
thức ăn và chơi đùa bên mép nước lấp lánh. Vài đám mây mỏng lướt trên
bầu trời xanh ngắt và những con chim từ trên cao bổ xuống nối liền trời với
đất. Khung cảnh khiến Văn nhớ về đồng bằng châu thổ sông Dương Tử: về
dòng sông chảy qua thị trấn quê bà, về hồ Động Đình và Đại Hồ với những
con thuyền dập dềnh cùng những cây cầu nhỏ làm bằng đá và gỗ. Phần nào
dắm mình trong suy nghĩ, bà kể cho Zhuoma nghe về cái ngày bà và Khả
Quân đua thuyền giấy trên Đại Hồ. Thuyền của Văn hóa ra lại dong buồm
chạy thẳng vào chính giữa hồ, trong khi thuyền của Khả Quân cứ quay
vòng vòng một chỗ. Thật lạ là ở Tây Tạng, vuông giấy nhỏ dùng để xếp
một chiếc thuyền giấy còn đắt hơn cả một bữa ăn.
Zhuoma kéo dây cương. “Chị có nghe tiếng người hát không?”
Khi tiếng lóc cóc vó ngựa của họ đã dừng, âm thanh nổi lên rất rõ: quả
là có một giọng người, một giọng đàn ông đang hát một giai điệu buồn.
Zhuoma nhìn thấy hai cô gái ở gần đó đang gánh nước, liền thúc ngựa về
phía họ.
“Các cô có nghe tiếng hát kia không?” bà hỏi.
Các cô gật đầu.
“Các cô có biết là ai không?”
Người lón tuổi hơn trong hai cô gái chỉ về phía một chấm nhỏ xíu ở phía
bên kia hồ.
“Ấy là Lão Ẩn sĩ Cường Ba,” cô nói. “Ngày nào ông ấy cũng hát ở đó.
Khi nào đi gánh nước cháu cũng nghe. Mẹ cháu nói ông ấy là thần gìn giữ
hồ này.”
Hai người phụ nữ thúc ngựa lại gần người hát hơn, nhưng mặc dù đã
cưỡi ngựa đi được hai tiếng đồng hồ, song hồ quá rộng đến nỗi nhà ẩn sĩ
dường như vẫn còn ở rất xa. Họ không sao nhìn thấy mặt ông, chỉ thấy bộ
quần áo rách tả tơi của ông bay phấp phới trong gió. Từ đằng xa, tảng đá
lớn nơi ông ngồi trông như đang trôi bồng bềnh giữa mặt nước. Khi đến gần
hơn, họ thấy tảng đá nằm ở cuối một doi đất nhỏ nhô ra hồ.
“Ông ấy hát gì vậy?” Văn hỏi Zhuoma.