7. Lão Ẩn sĩ Cường Ba
Văn, Zhuoma và Thiên An Môn đi về phía Nam. Trời đã sang hè khi họ
đến được vùng được gọi là “Bách Hồ” và nhìn thấy hồ Zhaling rộng mênh
mông, trải dài như biển cả bên dưới núi Anyemaqen. Gió hiu hiu thổi, ánh
nắng khiến họ cảm thấy ấm áp và thơ thới. Khi đến gần hồ, họ ngạc nhiên
thấy có rất nhiều ngôi lều dựng dọc ven bờ nước. Văn biết rằng dân du mục
hiếm khi tụ họp đông người về một chỗ. Hẳn phải có một lễ lạc quan trọng
nào đó thì mới khiến những người này đến đây. Hiện đang là mấy tháng hè,
bò cừu béo tốt và người Tây Tạng cũng có thể thoải mái giao du với
nhau.luôn
Họ tự dựng lều và buộc ngựa. Chiều hôm đó, Thiên An Môn đi tha thẩn
quanh các lều khác, đổi một số món trang sức Zhuoma giữ gìn suốt bao
năm qua để lấy thức ăn. Khi quay về, ông kể rằng nghe người ta nói hai
hôm nữa sẽ có một buổi trình diễn ca kịch trên lưng ngựa. Ý nghĩ về một vở
ca kịch diễn trên lưng ngựa khiến Văn tò mò. Zhuoma nhớ đã xem những
vở ca kịch như vậy từ lúc còn bé. Bà giải thích rằng các vở đó được diễn
bởi các lạt ma được huấn luyện đặc biệt, họ mặc lễ phục mà cưỡi ngựa.
Chẳng có thoại hay hát gì hết, mà chính những mẫu hình do các lạt ma tạo
ra khi cưỡi ngựa trong tiếng nhạc sẽ kể ra câu chuyện.
Đêm hôm đó, mặc dù mỏi nhừ xương vì đi xa, Văn không sao ngủ được.
Bà cứ trằn trọc bởi tiếng ai đó hát ở đằng xa nghe không rõ. Đó là một bài
hát bà chưa nghe bao giờ. Bà tự hỏi có phải là do mình tưởng tượng ra
không: Zhuoma và Thiên An Môn vẫn ngủ ngon lành.
Sáng hôm sau, khi Văn kể cho Zhuoma nghe về tiếng hát hồi đêm,
Zhuoma liền nói các cụ già thường bảo đó là những giọng ma quỷ vang lên
từ phía núi. Văn nghe lành lạnh dọc sống lưng.
Hai người phụ nữ quyết định sẽ dành suốt ngày để thăm thú cảnh hồ trên
lưng ngựa, thế nên họ khởi hành sớm, mang theo một túi da đựng nước. Khi