không nhìn thấy những quầng đèn đỏ mà tôi vượt qua, không nhìn thấy cả
những người lái xe khác đang bực bội bấm còi theo tôi và ném về phía tôi
tất cả những danh từ thiếu lịch sự. Tôi rẽ xe sang phải, rồi sang trái, rồi lại
sang phải và sau đó đi dọc con phố Main đến trạm cảnh sát. Tôi không còn
nhớ tôi bước vào trong như thế nào.
Thế nhưng sự căng thẳng trong căn phòng đó thì dán chặt vào trí nhớ
tôi, nó nặng nề và dày đặc đến mức độ tôi có thể ngửi được; đó chính là cái
kinh nghiệm thống khổ của các bà mẹ, của các ông bố, của các bà vợ, của
các người chồng, của chị em gái và anh em trai, tất cả những người đã phải
đến đây để đón những người thân đã chết của mình. Cái kinh nghiệm thống
khổ đó thấm đẫm vào mảnh đất này và trộn lẫn với nỗi sợ hãi cùng mối
căm hận thành một thứ mùi kỳ lạ, luôn thúc cho cảnh sát viên hoạt động.
– Đó là người mẹ, – tôi nghe tiếng ai đó thì thầm. – Của đứa trẻ bị chết
sao?
– Không, của đứa kia. – Tôi cảm nhận ánh mắt của họ dán vào người
tôi, nỗi lo sợ, sự thương xót, lẫn tò mò. Và rồi bầu tĩnh lặng trùm xuống,
trong khi một cảnh sát viên hình sự bước lên phía trước để chào hỏi tôi.
Anh ta dẫn tôi từ phòng chính vào một khu vực nhỏ biệt lập, một căn
phòng được quét vôi màu xanh lục kỳ lạ như tất cả những căn phòng công
cộng khác. Một màu xanh lục khiến ta ghê tởm, có ai đó đã từng nói như
vậy!
Jamal đang ngồi bên tường và đu đưa người trong một giai điệu câm
nín từ phía bên này sang phía bên kia, cái đầu đập vào tường trong một cử
chỉ, tàn nhẫn. Ánh mắt con trai tôi vô cảm vừa rộng và xa ra như ánh mắt
của một con thú nhỏ đang kinh sợ, một con thú nhỏ với cơ thể vẫn còn co
quắp vì kinh hoàng. Tôi ngồi xuống chiếc ghế còn trống cạnh nó, quan sát
nó một lúc rồi gọi tên nó. Nó nhìn tôi, nhìn như không quen tôi vậy. Tôi
kéo con tôi vào lòng, ôm thật chặt, chặt hết sức mình và tìm cách với tới
nỗi buồn thương.