quyển đứng chổng gáy lên trời. Nhiều quyển khổ nhỡ chất thành một chồng
ngất ngưởng. Hai quyển tự vị Hy Lạp lồng vào nhau hợp thành một vật duy
nhất, quái dị hơn những con người ghép đôi với nhau theo quan điểm lý
tưởng trong trắng của triết gia Plato. Một quyển khổ lớn in gấp cuốn có mép
mạ vàng há hốc ra, để lộ ba tờ sách xoắn góc nom đến tệ hại.
Lát sau, khi tình trạng sững sờ cao độ đã qua đi, viên quản thư lại gần bàn
và nhận ra, trong đống hỗn độn kia, những kinh thánh Hebrew, Hy Lạp và La
tinh quý giá nhất của ông, một quyển pháp điển Do Thái độc nhất, những
khảo luận về giáo lý Do Thái in và viết tay, những văn bản bằng tiếng
Aramée và Samaritan, những cuốn thư của giáo hội Do Thái, tóm lại, những
công trình quý giá nhất của Israel chồng đống, lổng chổng và tan tành.
Trước mặt ông Sariette là một cái gì không thể nào hiểu nổi, nhưng ông
vẫn cố gắng để tự lý giải chuyện đó. Lẽ ra ông phải vồ ngay lấy cái ý nghĩ
rằng tác giả của sự hỗn độn kinh khủng này chính là ông Gaétan, người vốn
không có nguyên tắc gì cả và vẫn cậy thế đã có những tặng phẩm tai hại hiến
cho thư viện để đến đó vơ vét đầy tay những ngày ông ấy ở lại Paris. Nhưng
ông Gaétan khi đó lại đương đi du lịch ở bên Ý. Sau vài giây lát suy nghĩ,
ông Sariette giả thiết rằng lúc đêm đã khuya, ông René d’Esparvieu đã lấy
chùm chìa khóa của bác hầu phòng Hippolyte, người hai mươi nhăm năm nay
vẫn dọn dẹp các căn phòng tầng gác thứ hai và các gian buồng xép áp mái.
Ông René d’Esparvieu không bao giờ làm việc đêm và không đọc được tiếng
Hebrew, nhưng, ông Sariette nghĩ, có thể ông ấy đã dẫn hoặc cho người dẫn
vào phòng này một vị giáo sĩ nào đó, một tu sĩ nào đó ở Jérusalem ghé qua
Paris, tay bác học Đông Phương học chuyên về phần chú giải sách thánh.