nhau. Rồi sau đó nàng kinh tởm sâu xa, nàng cảm thấy cuộc sống buông thả
cũng không thành công gì hơn trò hề sám hối. Nàng đã hoài công lê la
trong mọi ngôi nhà cho thuê ở khu La tinh, nàng đã hoài công sống một
cuộc sống nhơ nhuốc đầy tai tiếng. Những sợi thần kinh của nàng đã đứt
đoạn, sự truỵ lạc, những thú vui xác thịt không còn khiến nàng choáng
váng đến độ đủ mạnh để tìm được lãng quên. Nàng như người nghiện ngập
mà vòm miệng rát bỏng trở nên chai cứng dưới sức nóng của những chất
rượu cay nồng nhất. Nàng đã trơ lì trong sự dâm ô, không còn tìm được gì
nữa những người bạn tình ngoài nỗi phiền muộn và mệt mỏi. Thế là nàng
rời bỏ họ, những kẻ đã trở nên vô ích đối với nàng. Nàng đã nhiễm thói
lười nhác vô vọng, nó giữ nàng ở lại nhà trong bộ váy ngủ nhếch nhác, đầu
bù tóc rối với bộ mặt và đôi bàn tay lem luốc. Nàng quên mình đi trong bộ
dạng cáu ghét.
Khi hai kẻ giết người gặp lại nhau như thế, đối mặt nhau chán chường, kiệt
quệ mọi phương tiện để trốn chạy lẫn nhau, họ hiểu rằng mình không còn
sức lực để chống chọi nữa. Sự truỵ lạc đã từ khước họ và ném họ trở lại với
những nỗi ưu phiền của mình. Một lần nữa họ tiếp tục ở lại ngôi nhà tăm
tối và ẩm thấp của ngõ hẻm, nơi mà từ nay họ đã bị cầm tù, bởi càng
thường xuyên toan tính thoát thân thì càng không bao giờ có thể chặt đứt
sợi dây đẫm máu đã trói buộc họ lại với nhau. Họ thậm chí không nghĩ tới
nữa công việc đã vượt quá khả năng của mình. Họ cảm thấy mình bị xô
đẩy, bị đè bẹp, bị ràng buộc với nhau bởi những sự kiện, đến nỗi họ ý thức
được rằng mọi phản kháng đều trở nên nực cười. Họ trở lại cuộc sống
chung, nhưng lòng thù hận của họ đã trở thành cơn điên rồ hung hãn.
Những cuộc gấu ó nhau buổi tối lại tiếp tục. Vả chăng những trận đòn,
những tiếng kêu la kéo dài cả ngày. Lòng thù hận tiếp nối bằng nghi kỵ, và
sự nghi kỵ hoàn tất việc biến họ trở nên điên loạn.
Họ sợ hãi lẫn nhau. Cảnh tiếp theo sau việc đòi năm ngàn francs chẳng
mấy chốc lại diễn ra cả sáng lẫn tối. Ý nghĩ khư khư của họ là muốn tố giác