trượt nắp pin khỏi cái điện thoại bàn không dây và xem xét bên trong
nhưng không thấy gì khả nghi.
Có ba kết luận cô có thể rút ra từ kết quả tìm kiếm của cô. Một, các
thiết bị theo dõi đã được lắp đặt bởi một tay chuyên nghiệp. Hai, cô
không biết đủ về chủ đề này để mà kiểm tra kỹ lưỡng. Hoặc, ba, cô chỉ
là một kẻ hoàn toàn điên loạn. Cô quăng cái kết luận cuối vào chỉ để
xem xét hết mọi khả năng, nhưng mọi thứ trong cô đều bác bỏ điều đó.
Cô biết cô đã đánh mất hai năm ký ức. Cô biết cô đã làm phẫu thuật
trên mặt cô, một việc cô cũng không nhớ nốt. Mỗi lần cô bắt đầu nghi
ngờ bản thân, hai dữ liệu không thể bàn cãi này lại lôi cô trở lại chế độ
‘nghi ngờ mọi thứ và không tin gì cả’.
Không thể tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra là một tình huống bực
bội nhất mà cô từng gặp trong đời. Không chỉ bởi cô không biết lý do
rõ ràng cho chuyện không ký ức, gương mặt thay đổi, mà còn bởi cô
không thể nghĩ ra một lý do kỳ lạ, mơ hồ nào. Không có tình trạng sức
khoẻ nào mà cô biết khớp với các thông số. Không gì trong cuộc đời
mà cô biết khớp với các thông số.
Mà cô biết. Đó là từ khoá.
Tất cả những gì còn lại là một kiểu thuyết âm mưu, mà mặc dù nghe
có vẻ khá lạ lẫm khi so với cuộc sống rất bình thường và vô cùng tẻ
nhạt của cô, nhưng lại phù hợp với các chi tiết hơn bất cứ thứ nào khác
mà cô có thể tưởng tượng. Làm sao cô tìm được cách lý giải nào khác
cho mối nghi ngờ về việc điện thoại cô bị nghe lén – một điều cô chưa
từng nghĩ đến – hay là xe cô có gắn thiết bị theo dõi, hay là đột nhiên
phát hiện ra kỹ năng lái xe hoàn toàn xa lạ với thói quen lái xe thông
thường của cô? Và cô biết gì về mấy chiếc điện thoại ẩn danh?
Như thể có một con người hoàn toàn khác nằm trong cô và đang
chiến đấu để thoát ra ngoài. Không – điều đó nghe như kiểu nhân cách
phân liệt vậy, mà cô không có cảm giác như vậy. Cô cảm thấy giống
như, con người thật đang cố thoát ra khỏi căn nhà tù buồn chán mà
Bọn họ đã nhốt cô vào. Cuộc đời mà cô đang sống hiện tại, co mình