Mãi đến khi Tiểu Ba hoàn thành mục tiêu học tập của hôm ấy, anh mới
bảo tôi đi.
Sau đó, chúng tôi thường gặp Trần Kính gần hồ sen, cậu đã học vẽ tranh,
chẳng qua vẫn đang luyện phác họa tĩnh vật. Tôi không nói chuyện với cậu
ấy, cậu ấy cũng không quan tâm đến chúng tôi, mỗi người ngồi một góc
riêng, làm việc của mình.
Một hôm, cậu nhìn Tiểu Ba một lúc lâu, đột nhiên đi đến gần Tiểu Ba,
nói: “Học tiếng Anh không phải học như anh, tiếng Anh là một môn ngôn
ngữ, công dụng chính của nó là nói, cả ngày anh chỉ im lặng học thuộc thế
này, vừa tốn thời gian lại vừa kém hiệu quả. Anh phải đọc to lên, không cần
cố gắng ép mình học hết, chỉ cần đọc đi đọc lại, lấy mục đích là đọc lanh
lảnh để thuộc lòng là chính, lâu dần, anh tự nhiên có thể nảy sinh cảm giác
ngôn ngữ, có được cảm giác ngôn ngữ đó, khi anh làm bài tập, nhiều khi
hoàn toàn không cần để ý ngữ pháp, chỉ cần đọc qua, đầu lưỡi anh có thể tự
nói ra đáp án chính xác.”
Tiểu Ba vội nói: “Cảm ơn em.”
Trần kính nhàn nhạt nói: “Không cần cảm ơn. Người Trung Quốc mới
học nói tiếng Anh có thể thấy buồn cười, không cần ngại, cũng không cần
quan tâm người ta nghĩ mình thế nào, mình cứ đọc to lên thôi.” Nói xong,
cậu cầm bản vẽ trở về.
Tiểu Ba lập tức nghe theo lời khuyên bổ ích của Trần Kính, bắt đầu đọc
chầm chậm bài tiếng Anh, quả nhiên có chút buồn cười, tôi bật cười ha ha,
công phu không coi ai ra gì của Tiểu Ba cũng thật lợi hại, anh vẫn cứ đọc
bài của mình, mặc kệ người khác cười thế nào.
Đến khi anh đọc mệt rồi, chúng tôi mới ra về, Tiểu Ba nói: “Không ngờ
thần đồng lại nhàn hạ thoải mái như vậy, thường nghe nói thần đồng phải
đọc sách máy móc lắm.”