Newland Archer không thể cắt nghĩa vì sao lời nói này lại khiến anh cảm
thấy rằng đó là một cách quá bất kính khi mô tả xã hội New York.
CHƯƠNG 3
Chuyện này luôn luôn diễn ra đều đặn như vậy.
Phu nhân Julius Beaufort, trong đêm dạ hội hàng năm của mình, không
bao giờ quên xuất hiện ở nhà hát. Thực tế là, bà luôn tổ chức buổi khiêu vũ
vào những đêm diễn Opera để thể hiện sự vượt trội hoàn toàn của mình, và
nhấn mạnh việc bà có một đội ngũ người phục vụ biết tổ chức mọi chi tiết
cho buổi chiêu đãi một cách thành thạo khi bà vắng mặt.
Ngôi nhà của phu nhân Beaufort là một trong số ít nhà ở New York có
phòng khiêu vũ riêng (thậm chí có trước cả bà Manson Mingott và Headly
Chivers); khi mà việc đặt “vải thô” trên sàn phòng khách và di chuyển đồ
đạc lên gác bắt đầu bị coi là “quê mùa”, sự ưu việt rõ ràng trong việc sở
hữu một phòng khiêu vũ mà không được sử dụng cho mục đích nào khác -
bị bỏ ba trăm sáu mươi tư ngày đóng cửa im ỉm trong bóng tối, với những
chiếc ghế mạ vàng chất thành đống trong góc và đèn chùm bị nhét vào túi -
có vẻ như là sự đền bù cho những gì đáng tiếc trong quá khứ nhà Beaufort.
Bà Archer, người thích tạo ra triết lý xã hội trong những câu châm ngôn,
từng nói: “Chúng ta đều có những người thân tầm thường của mình” và
mặc dù câu nói này nhằm thách thức một người, sự đúng đắn của nó vẫn
được bí mật chấp nhận trong thâm tâm riêng của nhiều người. Nhưng nhà
Beaufort không chỉ tầm thường, vài người nói họ thậm chí còn tệ hơn.
Thực ra thì phu nhân Beaufort xuất thân từ một trong những gia đình được
kính trọng nhất ở Mỹ, bà vốn là nàng Regina Dallas đáng yêu (thuộc chi ở
Nam Carolina), một người đẹp không xu dính túi được giới thiệu với giới
thượng lưu nhờ người dì họ, bà Medora Manson sơ suất, người luôn luôn
làm sai với những động cơ đúng. Khi một người liên quan đến nhà Manson
và Rushworth thì người đó có “droit de cité”