- “Vài người trong chúng ta”, bà nó ơi… hơn một người sao? Ba giờ là
một giờ rất bất tiện. Tôi phải ở đây lúc ba rưỡi để uống thuốc: sẽ vô ích khi
thử phương pháp điều trị mới của Bencomb nếu tôi không thực hiện nó một
cách đều đặn; còn nếu tôi đến đó sau, dĩ nhiên tôi sẽ không có xe.
Với ý nghĩ này ông lại đặt dao dĩa xuống, và một nét của sự lo lắng hiện
lên trên đôi má nhăn nheo của ông.
- Không có lý do gì khiến ông phải đi cả, - vợ ông trả lời với một sự vui
vẻ đã trở thành tự động - tôi có vài tấm thiệp cần giao ở đầu kia đại lộ
Bellevue, tôi sẽ ghé vào đó lúc ba rưỡi và ở đủ lâu để khiến Army tội
nghiệp thấy rằng bà ấy không bị coi thường. - Bà nhìn con gái với vẻ do dự.
- Và nếu buổi chiều của Newland bận thì có lẽ May sẽ đưa ông đi với
những con ngựa nhỏ, và thử bộ yên cương nâu đỏ mới của chúng.
Nguyên tắc trong nhà Welland là thời gian của mọi người nên là thứ mà
bà Welland gọi là “bận”. Khả năng đáng buồn của việc phải “giết thì giờ”
(đặc biệt với những người không quan tâm đến bài whist hay solitaire
)
là một cảnh ám ảnh bà như những kẻ thất nghiệp lởn vởn quanh những
người tốt bụng. Một nguyên tắc khác của bà là bố mẹ không bao giờ (ít
nhất là một cách rõ rệt) can thiệp vào kế hoạch của những đứa con đã kết
hôn; và khó khăn trong việc dàn xếp sự tôn trọng cuộc sống độc lập của
May với nhu cầu cấp bách của ông Welland có thể được vượt qua chỉ bởi
tài khéo léo của bà mà không cần phải chuẩn bị trước một giây nào.
- Dĩ nhiên con sẽ đi với bố. Con chắc Newland sẽ tìm thấy việc gì đó để
làm. - May nói, trong một giọng nhẹ nhàng nhắc nhở chồng mình về sự
thiếu trách triệm của anh. Đó là một nguyên nhân gây ra nỗi buồn khổ
thường xuyên của bà Welland khi con rể bà đã tỏ ra ít lo xa trong việc lên
kế hoạch cho những ngày của anh. Thường thường, trong suốt hai tuần mà
anh ở dưới mái nhà bà, khi bà hỏi anh định dùng buổi chiều như thế nào,
anh đã trả lời ngược đời: “Ồ, con nghĩ để thay đổi, con sẽ chỉ để dành nó
thay vì dùng nó…”. Một lần, khi bà và May phải tiếp tục vòng thăm viếng