của kẻ sĩ mọi thời. Biết được cái giới hạn của sự hiểu biết, của sự đủ đầy thì
suốt đời không bị coi thường, không bị ô nhục.
Thế nên, cái tin ông Nguyễn Khắc Kiên sinh ngày 3/3/1941 , tháng
3/2001 vừa chẵn sáu mươi tuổi, mặc dù tổ chức chưa hề có quyết định gì,
đã viết đơn xin nghỉ hưu, khiến tôi càng tin ở cái tính khảng khái, tiết tháo
của ông. Thật chả bù cho nhiều người, cái chức bé bằng hạt ngô, lại ngoại
lục tuần mấy năm rồi mà vẫn cứ tham quyền cố vị, nài nỉ tổ chức cho xin ở
lại thêm vài ba năm nữa...
Nghe tin anh Nguyễn Khắc Kiên nghỉ hưu, tôi đến thăm. Nhưng mấy lần
tìm đến ngôi nhà ở khu Thanh Xuân Nam, lúc thì cửa đóng im ỉm, lúc cậu
con trai Nguyễn Khắc Dũng trả lời: "Bố cháu lên Hoà Lạc. Vừa nghỉ hưu là
cả hai bố mẹ cháu cùng lên Hoà Lạc".
Một ngày chủ nhật, tôi phóng xe Honda vượt hơn ba chục cây số tìm lên
khu nhà nghỉ cuối tuần Hoà Lạc.
Ngôi nhà của ông Tổng Giám đốc về hưu ở cách đường nhựa chừng 200
mét. Đó là một ngôi nhà hai tầng cơi nới, nằm giữa một vườn cây có tường
rào đá ong. Nói là trang trại thì nó quá nhỏ, vì chỉ rộng chưa đầy nghìn mét
vuông. Nói là biệt thự thì càng không phải. Một nhà vườn của một giá đình
trung nông thì đúng hơn.
Và kia, ông nông dân ra đón tôi chính là Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc
Kiên ngày nào. Chiếc quần soóc màu tro, chiếc áo phông màu cháo lòng,
những bộ đồ hàng ngày của một người làm vườn. Anh Kiên bắt tay tôi rồi
chỉ ao cá chừng năm chục mét vuông, vừa làm nơi nuôi cá, vừa quây một
góc để thả chục con ngan, và nói:
- Tớ đang cho cá ăn. Từ khi thôi nghề thuỷ điện, tớ lại thấy khoái cái thú
làm vườn.
Tôi ngó nghiêng, cánh mũi phập phồng như vừa phát hiện một hương vị
lạ.
- Hình như có hương ngọc lan?
- Thì gốc ngọc lan ở ngay đầu hồi kia.