Ngay trong câu chuyện, dù một câu chuyện có vẻ bi ai, Trần Thọ Chữ
vẫn luôn lưu giữ được người nghe với một nụ cười mỉm, dí dỏm lạc quan.
Thì ra người anh hùng thuỷ điện này, như hầu hết những người thợ anh
hùng, đều phát tích từ một vùng quê, là một anh nông dân chính hiệu. Làng
Bún, với tên chữ là làng Phấn Động, xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh quê
anh là một làng quê thơ mộng nằm bên bờ sông Cầu. Cái tên nôm làng Bún
hẳn là bắt nguồn từ nghề làm bún từ xa xưa. Con gái làng Bún duyên dáng,
đôn hậu hay lam hay làm như hết thảy những thiếu nữ làng quê xứ Kinh
Bắc. Tháng ba, ngày tám, khi đã cắm xong cây mạ xuống đồng, các cô
thiếu nữ lại theo mẹ đi chợ xa đong thóc làm hàng xáo. Nếu như làng Vân,
làng Thổ Hà bên kia sông có nghề nấu rượu truyền thống, thì rượu của làng
Bún bên này sông cũng ngon không thua kém. Có một thiếu nữ 18 tuổi, tuy
ngõ cách ngõ một đường vòng thúng, nhưng hai nhà xây lưng với nhau, gần
đến nỗi tiếng cười của cô gái bên này vọng ngay sang bên kia bờ rào, làm
chàng trai cùng tuổi là Chữ cũng xốn xang bồi hồi. Vốn mồ côi mẹ từ chín
tháng tuổi, người cha gà trống nuôi con hơn 10 năm, nên Trần Thọ Chữ vừa
chớm lớn, người cha đã nghĩ đến chuyện cưới cho anh một cô vợ. Yêu
đương thì cứ phải mưa dầm thấm lâu. Trước mắt là có người về làm ruộng,
trông nom cửa nhà. Rồi còn sinh con đẻ cái, cáng đáng nuôi chồng ăn học
nữa chứ. Nghe nói nhà nước sắp tuyển con em cán bộ cốt cán đi học trường
Bổ túc công nông Trung ương. Lấy được cô vợ về đảm việc gia đình hệ
trọng vô cùng. Thế là cô gái nhà bên Hoàng Thị Thừa, vừa tròn 18 tuổi,
mắt lá dăm, má lúm đồng tiền, thắt đáy lưng ong như bao thiếu nữ Quan
họ, được Chữ đón về làm vợ. Ấy là năm 1958. Đám cưới có thể gọi là tảo
hôn ấy, nào ngờ lại là một cuộc xe duyên hạnh phúc, để rồi suốt ba mươi
nhăm năm đằng đẵng với bốn giai đoạn đáng ghi nhớ của cuộc đời Trần
Thọ Chữ: 4 năm học Bổ túc công nông ở Đông Triều (1960-1964), 7 năm
họ đại học ở Triều Tiên (1965-1971), 9 năm làm xây dựng ở Hải Phòng
(1971-1978) và 15 năm làm ở công trường thuỷ điện Sông Đà (1979-1993),
chị Hoàng Thị Thừa luôn luôn là bến đỗ, điểm hẹn, là nơi bình yên trở về
và cũng là điểm xuất phát của người anh hùng.