*
Như một ngẫu nhiên, đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7
năm nay, tôi cùng Anh hùng lao động Trần Thọ Chữ nguyên Phó Tổng
giám đốc Tổng công ty Thuỷ điện Sông Đà vượt tám mươi cây số từ Hà
Nội lên Hoà Bình. Trông cái dáng đi cà nhắc khó nhọc của Trần Thọ Chữ
tôi chợt nhớ tới cuộc thăm viếng khi anh nằm bó bột ở thị xã Tuy Hoà cuối
năm 1993.
Đài tưởng niệm nằm trên đồi cao, ngay phía dưới bờ đập thuỷ điện, như
một đài hoa, mở ra 168 cánh, mỗi cánh là một liệt sĩ, trong đó có 11 người
bạn Liên Xô và 157 cán bộ công nhân Sông Đà.
Ngọn gió Sông Đà thổi bó hương cháy giần giật như đuốc. Chúng tôi lần
lượt thắp mỗi bát hương một nén. Đi trọn một vòng, vừa hết 168 nén
hương. Trần Thọ Chữ dừng lại trước tấm đá có khắc dòng tên Lê Xuân Lý.
- Nếu Lý còn sống, bây giờ cậu ta đã 51 tuổi. Lý là người thợ đầu tiên hy
sinh trên công trường thuỷ điện Hoà Bình. Năm 1972 ấy, Lê Xuân Lý vừa
tròn 20 tuổi - Anh Chữ chỉ sang tấm đá có khắc dòng tên Đậu Tiến Thọ -
Còn đây là người cuối cùng hy sinh trên công trường Sông Đà. Đậu Tiến
Thọ là kỹ sư thi công, quê Anh Sơn, Nghệ An. Năm 1994 được Tổng công
ty giao cho phụ trách phần thi công đài tưởng niệm, Thọ đã dành toàn bộ
tâm trí để hoàn thành công trình đền ơn đáp nghĩa này. Danh sách 167 liệt
sĩ với ngày tháng năm sinh, năm mát, nơi sinh, quê quán, đã được khắc sẵn
trên những tấm đá granit đen, nhưng đến khi mang ráp lên vòng tròn thì lại
thừa ra khoảng trống bằng một tấm đá nữa. Đậu Tiến Thọ buồn bã bảo các
bạn: "Ô thừa này không biết dành cho ai nữa đây?” Rồi anh nói đùa: “Hình
như trong mấy tháng làm ở đây, mình đã trở nên quá thân thiết với 167 liệt
sĩ, nên các đồng chí muốn rủ mình xuống cho vui?”
Câu nói đùa như lời trói buộc của định mệnh. Ngay sáng hôm sau, 12-
12-1994, khi đang đi xe máy từ dưới dốc lên công trình thi công, Đậu Tiến
Thọ bị tai nạn và mất trong ngày. Người kỹ sư 40 tuổi ấy đã ứng với ô 168,
khép lại một danh sách những liệt sĩ đã hi sinh trong suốt giai đoạn 22 năm
(1972-1994) lao động quên mình vì dòng điện Sông Đà.