Mỏ địa chất. Một số người được tu nghiệp ở Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc…
Họ được trang bị tốt về kiến thức, nhưng lại quá mỏng về thực tế. Dẫu thiết
bị, công nghệ tiên tiến của Liên Xô, một cường quốc về xây dụng thuỷ điện
với các nhà máy lừng danh trên sông Đơnhiep, sông Lêna, sông Ăngcara,
sông Iênhixây…, nhưng những người thực thi công trình thuỷ điện Sông
Đà lại là những thanh niên Việt Nam nhỏ bé, nhiều người vừa đi ra từ cuộc
chiến tranh. Chữ nhớ lại những đợt khoan nổ mìn hố móng. Để khoan đủ
cho ba mươi, thậm chí năm mươi tấn thuốc nổ một đợt, đã là một kỳ tích.
Cả bãi khoan lúc nào cũng đanh chói tiếng mũi khoan xuyên vào đá, bụi
trắng vì khói đá. Có anh thợ trẻ sau một tuần khoan đào, ho ra máu. Ngay
như Chữ, mấy lần đi khám bác sĩ đều bắt nghỉ vì phát hiện ra bụi đá tràn
khắp phổi.
- Lần nổ mìn khủng khiếp nhất đời tôi là ở chỗ hố móng nhà máy kia -
Trần Thọ Chữ kéo tôi ra gần mép sông, chỉ tay về phía những đợt sóng đập
tràn tung bọt trắng xoá. - Lần ấy chúng tôi cho nổ ba mươi tấn thuốc TNT.
Các lỗ khoan đã nạp đầy thuốc. Kíp mìn đã được nối vào mạng để kích nổ.
Đúng lúc ấy mây giông kéo kín bầu trời. Phía thượng nguồn đã nhằng nhịt
chớp bão. Lệnh nổ mìn đã phát ra. Bộ phận gây nổ ấn nút. Vậy mà cả bãi
mìn vẫn câm lặng. “Hở mạch rồi”. Tôi hét lớn. Anh em nhô đầu lên khỏi
nơi nấp, nhìn nhau nản chí. Biết làm cách nào cho mìn nổ? Ai sẽ xông vào
giữa bãi mìn mà tìm chỗ mạch hở? Chỉ cần sơ sẩy, cả người anh sẽ tung lên
như xác pháo. Nhưng chẳng lẽ huỷ cả 30 tấn thuốc nổ khi trời đổ mưa
xuống? Và biết đâu, những ngòi nổ quái ác kia sẽ là bẫy tử thần của bao
người? Không còn cách nào khác, không đắn đo suy tính thiệt hơn, mình
tôi lần vào bãi mìn… Cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào
mà mình vẫn không bị xếp vào danh sách 168 người trên đài tưởng niệm
kia? - Lần ấy, tôi đã tìm ra chỗ hở của mạch điện và nối lại…
*
Câu chuyện một mình đi vào bãi mìn của anh hùng Trần Thọ Chữ khiến
tôi chưa hết bàng hoàng thì phía sau tôi đã lao xao những giọng Nga quen