thuộc. Chúng tôi ngoảnh lại và nhận ra một đoàn khách Nga đang thắp
hương ở khu đài tưởng niệm.
- Tôi là Anhisơkin Bôrít Anatôlêvích, kỹ sư tổ chức thi công, từng làm
việc ở Sông Đà những năm 1982-1983.
- Tôi là Merkhulốp Alêcxandrơ, chuyên gia địa chất, đã từng làm việc ở
Sông Đà từ năm 1986-1990. Tôi có bốn người bạn thân đã nằm xuống tại
công trình thế kỷ này…
Những người bạn Nga tự giới thiệu về mình. Họ là những chuyên gia của
Viện thiết kế thuỷ công Matxcơva đang làm việc cho dự án thuỷ điện Sơn
La thuộc Công ty tư vấn công trình điện I - Tổng công ty Điện lực Việt
Nam.
Cô phiên dịch Vũ Ngọc Diệp có dáng người nhỏ nhắn và một chất giọng
Nga khá chuẩn kéo một chàng trai cao dong dỏng có nước da trắng như con
gái và đôi mắt xanh màu trời đến bên tôi:
- Xin giới thiệu, đây là Vôlentrikốp Alêcxandrơ, kỹ sư làm ở đoàn
chuyên gia thiết kế Sông Đà những năm 1982-1986, người đại diện cho các
đoàn viên Thanh niên Cộng sản Liên Xô trên công trường thuỷ điện Hoà
Bình đã tham gia thảo bức thư gửi thế hệ mai sau.
Tôi xiết chặt bàn tay Vôlentrikốp trong tay mình. Thật tuyệt vời. Không
ngờ sau hơn một phần tư thế kỷ lại gặp con người lịch sử này ở Sông Đà.
- Anh có thể cho biết nội dung bức thư nói gì với các thế hệ mai sau
không?
Vôlentrikốp nhún vai, mỉm cười.
- Bí mật. đợi đến ngày 1-1-2100, khi lá thư mở ra, sẽ biết. Hy vọng cả
anh và tôi sẽ sống đến ngày đó.
Trong khi chúng tôi đang bàn đến chuyện 97 năm sau thì Trần Thọ Chữ
lại kéo Bôrít ra một góc, trò chuyện. Không ngờ trải qua bao nhiêu năm
tiếp xúc với đất cát, xi măng, sỏi đá mà cái vốn tiếng Nga của Trần Thọ
Chữ vẫn đủ xài để tâm sự với ông bạn người Nga, vốn quen biết anh từ
thuở Sông Đà. Trần Thọ Chữ nói với tôi: