Cánh thợ Công ty đường hầm Sông Đà đến là quỉ quái. Họ sáng tác ra
hẳn một câu chuyện rồi kể cho nhà văn Trần Chinh Vũ để hư cấu đưa vào
tiểu thuyết “Đá gốc”. Câu chuyện thế này: Có một lần cánh thợ xộc vào
phòng giám đốc Trần Thọ Chữ và bất ngờ bắt gặp phu nhân giám đốc từ
quê lên chơi.
- Em chào Giám đốc… Cháu chào bác ạ.
Chị Thừa đỏ nhừ mặt, luống cuống không biết trốn đi đâu. Anh Chữ bật
cười mắng át:
- Mắt mũi các cậu làm sao vậy? Chị vừa ở quê lên chơi, các cậu tưởng là
bà nội tớ đấy hả?
Mấy anh thợ vụng chèo khéo chống:
- Chị tha lỗi cho chúng em. Bọn em vừa ở hầm xả lũ ra, còn hoa cả mắt
nên nhìn công hoá cuốc….
Chờ lúc mấy anh thợ ra về, chị điềm đạm nói với anh:
- Tôi cứ lên chơi thế này rồi lại làm ông khó xử.
- Vẽ chuyện. Mấy thằng láu táu chứ chúng nó không có ý gì đâu. Vợ già
lại càng ngọt cơm canh, chứ sao lại khó xử.
Chị nhìn chồng thật thà.
- Ông ngày càng trẻ ra. Giá như ngày xưa, tôi đã lấy vợ bé cho ông rồi…
Đùa hay thật mà cứ như dòng suối mát. Kỳ lạ thay là người đàn bà làng
Bún quê anh. Mấy chục năm đằng đẵng chăm sóc bố, mẹ kế, gánh vác công
việc gia đình, rồi nuôi dạy năm mặt con để anh thênh thang những chân trời
góc bể, hun hút hàng tháng trời dưới lòng đất mà tịnh không điều tiếng kêu
ca gì. Chị như con sông Cầu, xanh mát, dịu dàng. Như bến đò bên sông
lặng lẽ chờ….
Một người vợ như thế, có lên anh hùng thì cũng vui mà có trở thành
thương binh thì cũng chẳng quá buồn. Sau này tiếp xúc với chị Thừa, tôi
càng ngộ ra điều này: Nếu theo tử vi thì Anh hùng Trần Thọ Chữ đắc địa ở
cung thê tử và cung nô. Giúp anh làm nên sự nghiệp, một phần rất lớn có
công của vợ con và bạn bè.