đan lát, mây tre, nghề làm thừng rất thích hợp với nhà nông, nhất là lúc
nông nhàn. Ngày bé, không biết đã bao nhiêu lần tôi ngủ cuộn tròn trong
lòng mẹ, những buổi mẹ ngồi chắp thừng. Nhiều khi nửa đêm tỉnh giấc, vẫn
thấy mẹ một mình một ngọn đèn dầu chắp từng sợi giang, thành những
vòng trắng muốt. Vui nhất là lúc đánh thừng. Những nhà có sân rộng được
chọn làm nơi để các bà, các cô tập trung chắp thừng và đánh thừng. Sợi
chập hai phải dùng suốt. Đến sợi chập ba người điệu nghệ vung lên như
múa. Vừa làm, cánh con gái vừa hát chèo, cánh trung niên, người già thì kể
chuyện cổ tích, hoặc lẩy Kiều, ngâm Lục Vân Tiên, Phan Trần, Phạm Tải -
Ngọc Hoa... Có thể nói nghề làm thừng là một nghề nghiệp mưu sinh,
nhưng cũng là nét sinh hoạt văn hoá của làng. Nó là một nét thơ, một giai
điệu trữ tình giữa hai mùa cấy hái nhọc nhằn. Nó đối nghịch hoàn toàn với
nghề cưa xẻ, một nghề lao lực, nhọc nhằn, nhưng đã có thời kỳ từng hái ra
tiền...
III. Nghề cưa xẻ, vang bóng một thời
Không ai biết nghề thợ xẻ làng tôi có từ bao giờ. Có người bảo, từ ngày
thôn Nguyễn Xá lấp con long mạch để lập chợ Mới, làng Động Phí không
ai đỗ đạt, chức sắc gì nũa, đành chuyển sang nghề cưa xẻ.
Cũng là vì đồng đất xưa quanh năm úng lụt, trai làng phải xoay ra tìm
nghề phụ mưu sinh. Từ xưa, đã thành một quy ước ngầm: Đàn ông không
dính dáng gì đến chuyện đồng áng. Mọi công việc từ cấy hái, gánh phân,
nhổ mạ, cho tới cày bừa đều do đàn bà con gái đảm nhiệm. Phụ nữ Động
Phí, có tiếng đảm đang, lại xinh đẹp. Các ông chồng, ông bố, ông con cứ
việc quanh năm cút kít trên những cánh rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Tết nhất,
hội làng mới kéo nhau về.
Nghe các cụ nói, cưa xẻ ngày xưa là một nghề đầy lao lực và nguy hiểm.
Lên rừng, tức là dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc. "Hổ Bảo Hà, ma
Trái Hút", "Sông Thao nước đục người đen, ai lên Vũ Ẻn thì quên đường
về". Những câu ca dao này là do thợ xẻ làng tôi mang về cùng với những
cái bụng báng như người chửa sáu, bảy tháng, những thân hình tiều tuỵ,
mặt bủng chân chì, những trận sốt rét rung giường. Chưa thống kê hết